Nghị lực của những thầy, cô giáo mang vi-rút tử thần

Ba năm trước, khi nghe tin nhiễm HIV trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ, Hà Ðức Toàn, giáo viên trường tiểu học Phú Lệ, Quan Hóa (Thanh Hóa) tưởng chừng ngã quỵ không thể gượng dậy nổi. Mẹ Toàn là giáo viên cấp một nên hướng con trai theo nghề dạy học. Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, Toàn học tiếp cao đẳng rồi về ngôi trường nơi  mẹ công tác. Không phải cắm bản ở các điểm trường xa xôi hẻo lánh, giữa núi rừng hoang vu, trường Toàn nằm ngay ven quốc lộ, cách nhà một cây số. Thế nhưng Toàn đã không cưỡng  nổi sự quyến rũ  của "ả phù dung" ma túy. Những năm 2000, nạn  hút hít ở Quan Hóa lên tới đỉnh điểm. Hê-rô-in khá sẵn, lại rẻ, đám trai bản kháo nhau, làm vài chén rượu xong hít vào là phê tới bến. Trong những lần tụ tập uống rượu, đánh bài thức khuya, đám bạn đồng khóa dưới Ngọc Lạc rủ Toàn "chơi" một tý cho đỡ buồn. Sự tò mò khám phá và chút sĩ diện của tuổi trẻ kích thích chàng trai người Thái. Anh tặc lưỡi... thử cho biết. Lần đầu tiên không mấy ấn tượng, về sau càng ngấm, cảm giác thèm chất trắng xuất hiện. Thiếu nó, Toàn không chịu nổi. Ban đầu chỉ tụ tập hút hít vào ngày nghỉ, mật độ càng về sau càng dày, mỗi ngày đốt hết vài trăm nghìn đồng.  Ba năm mắc nghiện mà gia đình không hay biết. Chỉ khi Khà Thị Thịnh, vợ Toàn "vượt cạn" chẳng mấy lúc thấy chồng bên cạnh sẻ chia, đỡ dần, mọi người sinh nghi mới phát hiện Toàn đang bị ma túy vật.

Vợ Toàn quê ở Vạn Mai, Mai Châu (Hòa Bình), cách nhà Toàn vài cây số. Cảm mến sự chân thành, chất phác của thầy giáo trẻ đã theo chồng về dạy mầm non ở trường tiểu học Phú Lệ. Mẹ Toàn nghe tin "sét đánh ngang tai" suy sụp, còn Thịnh cũng khóc hết nước mắt. Gia đình khuyên Toàn tạm nghỉ việc, vào nhà người bà con ở miền Nam để cai nghiện, cách ly đám bạn xấu. Hai tháng nằm lỳ ở Tây Nguyên, trở về Toàn bỏ được ma túy. Nhưng duyên nợ với "ả phù dung" vẫn còn vương vấn. Hai năm sau Toàn tái nghiện. Một ngày không gặp là nhớ, chân tay bủn rủn, đầu óc quay cuồng, làm việc gì cũng không tập trung. Toàn bảo, chỉ một lần hít lại là cái đầu muốn động đậy. Thịnh vẫn kiên trì lựa lời khuyên can, sắm hẳn sợi xích to giữ chồng ở nhà mỗi khi thèm thuốc. Nhưng khi thoát khỏi vòng vây ma túy, Toàn phải tiếp tục trả giá cho những sai lầm. Hôm đó, Toàn mắc cúm, đi kiểm tra thì bác sĩ phát hiện anh đã nhiễm HIV. Tiếp đó là chuỗi ngày vật lộn chống chọi bệnh tật trong tâm trạng hoang mang tột độ. Nhưng, chung quanh không ai xa lánh anh. Thầy  hiệu trưởng Hàn Thế Vượng trước đây từng dạy Toàn hồi nhỏ luôn  động viên anh vượt qua mọi khó khăn. Trong hoàn cảnh tưởng bế tắc không lối thoát, Thịnh vẫn vững tin quán xuyến công việc gia đình, vừa lo dạy học ở lớp mầm non, động viên chồng chữa bệnh. 

Tuy chỉ mới chớm làm bạn với ma túy, nhưng chỉ một lần dùng chung bơm kim tiêm mà Lương Thế Thiệp, ở bản Khó, thị trấn Hồi Xuân phải trả giá đắt. Hôm đó, một anh bạn nghiện ma túy rủ uống rượu phê, rồi trong phút bốc đồng không làm chủ bản thân, Thiệp đã chích ma túy để thử cảm giác lạ. Lúc đó, người Thiệp bay bổng, đê mê. Nhà nghèo nhưng học giỏi, Thiệp thi đỗ đầu hệ cao đẳng sư phạm trường đại học Hồng Ðức. Bố mẹ cũng cố gắng chắt chiu nuôi anh em Thiệp ăn học trưởng thành. Khi đó, Thiệp đã quen và thầm yêu trộm nhớ Hà Thị Xuân, cô gái cùng bản. Khi hai người đến với nhau, Thiệp không biết mình đang mang trong mình thứ vi-rút chết người. Lúc hay tin mình mắc bệnh, Thiệp sốc nặng! Biết mình đã làm khổ vợ, Thiệp rất ăn năn, hối hận. Thương con dâu tội nghiệp, bà Hà Thị Hạt nén nỗi đau trong lòng. Ba cặp dâu rể làm giáo viên, vợ chồng Thiệp là thiệt thòi nhất, giọng bà nghẹn lại. Bà động viên, trấn an tinh thần rằng chuyện không may xảy ra, đừng mặc cảm, vui vẻ sống và chăm chỉ uống thuốc ARV mới ổn định sức khỏe, giành lấy sự sống.  Ðược người thân và bạn bè động viên, uống thuốc ARV, bồi bổ sức khỏe, Thiệp dần bình phục. Bà con dân bản biết chuyện cũng rất cảm thông, chia sẻ. Ðồng nghiệp ở trường Hiền Kiệt đồng cảm, tạo điều kiện  để Thiệp và Xuân hoàn thành tốt công việc ở trường. Thiệp dạy toán lý giỏi. Các em học trò trường làng cũng rất yêu quý cô giáo Xuân. Trước khi lên lớp, Thiệp luôn lựa chọn cách giảng ngắn gọn, lý thú để học sinh dễ tiếp thu nhất. Xuân đã học xong hệ cao đẳng còn Thiệp đang theo học đại học sư phạm để bổ túc, nâng cao trình độ. Không quản mưa nắng, Thiệp lại vượt hàng trăm cây số xuống Vĩnh Lộc theo học.  Mừng nhất là cháu Lương Hà Anh năm nay bốn tuổi, xinh xẻo, bụ bẫm. Cháu may mắn không mắc bệnh và là nguồn động viên lớn để vợ chồng Thiệp  vượt lên. Buổi tối, cả nhà quây quần trong căn nhà tập thể. Bé Hà Anh bi bô hát: "Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình".

Có lẽ ở Xuân Phú, Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa mọi người đều biết đến cô giáo Cao Thị Tươi, bởi nghị lực sống phi thường. Sinh ra và lớn lên giữa bạt ngàn mầu xanh của những rừng luồng dọc theo đôi bờ sông Mã, cô gái người Mường nổi tiếng là học giỏi và xinh đẹp. Khát khao cháy bỏng từ thủa nhỏ trở thành cô giáo thành sự thật. Tốt nghiệp Trung cấp sư phạm năm 1998, Tươi về công tác tại trường Tiểu học Thanh Xuân, cách nhà hơn hai mươi cây số. Ðằm thắm, hiền dịu, không ít chàng trai theo đuổi nhưng trái tim cô giáo trẻ rung động trước Cao Anh Tuấn, chàng trai cùng bản, học với nhau từ thủa nhỏ. Ðôi vợ chồng trẻ chăm chỉ làm ăn, thương yêu nhau hết mực và sinh được một bé gái kháu khỉnh. Tổ ấm ở bản Cổi, xã Xuân Phú luôn đầy ắp tiếng cười. Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu. Bạn bè xấu dụ dỗ, rủ rê, khi vợ đi dạy học xa, ở nhà Tuấn đã mắc nghiện. Bập vào hàng trắng, anh trở nên bệ rạc, suốt ngày lang thang ở các tụ điểm ma túy. Nghe vợ động viên, khuyên nhủ, Tuấn cai nghiện hàng chục lần, không ít lần xích chân, cán bộ công an đến tận nhà khuyên nhủ, động viên, nhưng cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng là tái nghiện. Cai cắt cơn thì dễ, nhưng đoạn tuyệt không hề giản đơn. Bao của nả, tiền bạc trong nhà đội nón ra đi còn cắm xe là chuyện như cơm bữa. Không nản chí, nhiều lần Tươi thuê xuồng máy, lặn lội khắp các bản tìm chồng về. Tình thương và nghị lực của người vợ hết mực yêu chồng khiến anh cảm động, hối lỗi nhưng khi "con ma" hê-rô-in hành hạ, Tuấn mụ mị lại tìm đến cái chết trắng. Một lần, bé Vân Anh, con gái Tuấn mới ba tuổi ôm chầm lấy bố bập bẹ bảo "Bố đừng lấy trộm tiền mẹ đi tiêm nữa nhé". Câu nói thơ ngây của nó như xát muối trong lòng, khiến Tuấn giật mình tỉnh ngộ. Từ khi làm bạn với ma túy, chẳng được gì mà còn "tiền mất, tật mang". Trong những lần đi chặt luồng trong rừng, Tuấn phát hiện hang Tạc Mán, núi Pù Khiêu, xã Xuân Phú, cách nhà bảy cây số, rất mát mẻ. Mấy tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường cheo leo vách đá, đem theo lỉnh kỉnh xong nồi, lương thực, thuốc lào, rượu và đàn, Tuấn quyết tâm lên hang cai nghiện. Chỉ một mình giữa núi rừng trùng điệp, ban ngày Tuấn mò cua nấu cơm, khi toát mồ hôi, vật vã lại đánh đàn giải sầu và động viên chính bản thân mình. Nửa tháng sau, Tươi lên thăm chồng, động lòng thương bảo chồng về, nhưng Tuấn quyết tâmở lỳ cả tháng trời, không dứt cơn không về. Trở về, Tuấn không dùng điện thoại di động, cắt đứt mọi liên lạc với đám bạn bè xấu, kết bạn với người tốt, học hỏi họ cách làm ăn, rồi vào làm công an xã. Tươi xin chuyển về công tác tại trường Tiểu học Phú Nghiêm để có nhiều thời gian động viên chồng.

Những tưởng bóng tối u ám đã qua, nhưng số phận trớ trêu của cuộc đời vẫn chưa buông tha.Cuối năm 2007, Tươi bị sốt gần tháng trời mà không tìm ra nguyên nhân. Người rất mệt nhưng cô cũng gắng gượng hoàn thành tốt bài thi tốt nghiệp lớp cao đẳng, rồi xuống trung tâm y tế huyện chữa trị. Thấy mình nằm trong phòng cách ly, Tươi mạnh dạn hỏi bác sĩ. Bác sĩ hỏi thăm về chồng Tươi rồi yêu cầu cả hai đi xét nghiệm. Rồi cái ngày đau buồn khủng khiếp đã đến khi hai vợ chồng hay tin nhiễm HIV. Tươi suy sụp, khóc ngất, muốn chết cho xong. Người gầy rộc thảm hại, tóc rụng hết, cơ thể suy nhược. Mọi người tới thăm Tươi, ai cũng không cầm được nước mắt.

Tin vợ chồng Tươi bị "ết" chẳng mấy chốc lan khắp bản làng. Người ta đồn thổi rằng, Tươi sắp chết, người lở loét, rất kinh sợ. Con gái Tươi đi học cũng bị chúng bạn xa lánh. Mọi sự bán tín, bán nghi được giải tỏa khi rất đông bạn bè, người thân, bà con hàng xóm tới động viên, an ủi, gần gũi cô, chẳng ai kỳ thị. Phòng giáo dục và nhà trường thường xuyên thăm hỏi và tạo điều kiện cho Tươi chữa bệnh, ổn định tinh thần. Sau sáu tháng uống thuốc, sức khỏe Tươi dần hồi phục. Gia đình cô không muốn Tươi tiếp tục dạy học vì sức khỏe yếu. Nếm trải những tháng ngày nghiệt ngã trong bão tố cuộc đời và thử thách của số phận, cô gái mảnh dẻ, yếu đuối ngày nào càng can trường hơn. Hình ảnh cô giáo Tươi đầy tâm huyết, tận tụy với học sinh và thân thiện với đồng nghiệp đã trở lại. Cháu Vân Anh học trường tiểu học Xuân Phú luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, đoạt nhiều giải thưởng các cuộc thi tiếng hát kể chuyện, mỹ thuật... Cháu khoe với các cô, các chú, lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ. 

Biết chấp nhận và vươn lên, lạc quan sống khi điều không may đến với mình chính là "thần dược" giúp vợ chồng Tươi ngày càng khỏe mạnh. Hạnh phúc đã hồi sinh. Tuấn đã từ bỏ hẳn con đường nghiện ngập, tu chí làm ăn, lên nương chặt luồng bán, dựng được hẳn căn nhà sàn khang trang. Nét mặt rạng ngời hạnh phúc, Tươi tâm sự: "Em càng thấy yêu nghề, yêu trẻ hơn. Có gặp hoàn cảnh như em mới thấy quý, trân trọng tấm lòng nhân ái sẻ chia của mọi người. Nếu mọi người dang rộng vòng tay bao dung giúp đỡ những người không may mắc căn bệnh này như bọn em, có lẽ cuộc sống cũng phần nào vơi bớt thiệt thòi.

Trưởng phòng giáo dục Quan Hóa Phạm Bá Thúy, chia sẻ, bên cạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, ngành giáo dục Quan Hóa luôn dang rộng vòng tay, tạo điều kiện cho các giáo viên trót sa ngã làm lại cuộc đời. Nghị lực của những thầy, cô giáo nhiễm HIV/AIDS vượt lên chính mình trong hoàn cảnh khó khăn nhất, vẫn cần mẫn chở con đò tri thức là minh chứng điển hình, sinh động cho sự nhiệt tình, tận tậm với sự nghiệp "trồng người".