Đặng Thành Linh từng đại diện cho các thanh niên tàn tật của Hải Phòng tham dự Hội nghị “Gặp mặt những người tình nguyện tiêu biểu vì trẻ em đặc biệt khó khăn” toàn quốc năm 2002 và được biểu dương trong số 60 “bông phượng đỏ”, góp phần tích cực vào phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hải Phòng 5 năm (2001 - 2005).
Năm 14 tuổi, một tai nạn xe máy đã cướp đi một phần đôi chân Linh. Ngày ấy, nhìn các bạn cùng tuổi được cắp sách đến trường, Linh phải ở nhà mất 3 năm để điều trị bệnh.
Thời gian đối mặt với đau đớn ấy không thể bù đắp lại đôi chân khỏe mạnh, anh chỉ đủ sức tập tễnh đi lại. Với sự động viên của gia đình, bạn bè, nỗ lực bản thân đã giúp anh vươn lên chiến thắng mặc cảm, tiếp tục theo học hết THPT và thi đỗ trường Trung cấp thống kê T.Ư 1 tại Bắc Ninh. Ra trường, anh phải đối mặt với nhiều khó khăn để tìm việc làm.
Linh tiếp tục theo học lên đại học để mở rộng kiến thức và dễ dàng tìm việc. Anh đăng ký theo học Đại học Ngoại ngữ (tại chức khoa Tiếng Anh). Hằng ngày, anh kỳ cạch đạp chiếc xe cà tàng đi học cách xa nhà hơn 20 km.
Ý chí vươn lên trong học tập đó của anh khiến nhiều lãnh đạo địa phương cảm phục. Cuối cùng, anh được nhận công tác nghiệp vụ kế toán ở trường THCS Mỹ Đức, sau đó chuyển sang trường THCS Chiến Thắng ở huyện An Lão.
Năm 1994, ở địa phương nhiều học sinh có nhu cầu học tiếng Anh, nhưng gặp khó khăn, bởi gia đình ở cách xa trung tâm thành phố. Sẵn có vốn ngoại ngữ tích lũy được, Linh mạnh dạn mở hai lớp học tiếng Anh và trực tiếp giảng dạy.
Điều khiến Linh vui nhất là phong trào hiếu học ở địa phương đã giúp cho lớp học của anh duy trì khá ổn định và đông người theo học. Hằng ngày, ngoài đảm nhiệm công việc chính ở trường THCS, hầu hết các buổi tối anh nhiệt tình giảng dạy cho các lớp học ngoại ngữ.
Uy tín của thầy giáo nghị lực vươn lên trước hoàn cảnh khó khăn khiến ngày càng có nhiều học sinh, học viên đăng ký theo học. Từ hai lớp học ban đầu, sau đó, anh Linh mở một Trung tâm ngoại ngữ tại xã Mỹ Đức.
Trung tâm hoạt động ổn định suốt 10 năm và là nhịp cầu nối cho nhiều học sinh địa phương yêu thích và muốn học hỏi môn ngoại ngữ có điều kiện trau đồi kiến thức.
Trong quá trình lập nghiệp, Linh luôn dành sự sẻ chia cho những người có hoàn cảnh không may mắn như mình. Linh kể: “Ngày mình trực tiếp điều hành công việc ở Trung tâm ngoại ngữ, ngoài đảm nhiệm dạy một số lớp học tại trung tâm, mình còn tranh thủ và sắp xếp thời gian dạy ngoại ngữ cho một số học sinh khuyết tật ở nhà tình thương của Cty TNHH Hoa Phương”.
Những năm gần đây, Linh liên kết với một số người thân, bạn bè mở thêm một trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn quận Kiến An.
Anh tiếp tục dạy ngoại ngữ, tin học cho một số học sinh khuyết tật ngay tại Trung tâm ngoại ngữ đó.
Linh tâm sự: “Đối với trẻ khuyết tật, nhìn ánh mắt khát khao được tiếp cận với tri thức của chúng nhưng lại bị hạn chế bởi hoàn cảnh thiệt thòi, mình rất thương.
Vì vậy, trong qúa trình giảng dạy, bên cạnh sự nhiệt tình, mình không ngần ngại việc truyền đạt kiến thức mất nhiều thời gian và công sức hơn các học sinh bình thường khác”.
Có được thành công đó ở tuổi 30, Linh phải khổ luyện và học hỏi rất nhiều. Bản thân anh cũng luôn năng động trước cuộc sống để khẳng định những người khuyết tật vẫn hữu ích cho xã hội.
Niềm vui của anh là luôn được sẻ chia nỗi đau với những người đồng cảnh ngộ. Anh mong ước tương lai sẽ liên kết để thành lập trung tâm dạy nghề, giúp những người khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng…