Hành trình 14 năm "săn con" của cặp đôi giáo viên vùng cao

NDO -

Ngôi nhà nhỏ của anh Hóa, chị Miền nằm nhỏ bé ở một góc phố cổ Đồng Văn, Hà Giang vốn vắng lặng 14 năm qua, giờ ngập tràn tiếng bi bô con trẻ. 14 năm đằng đẵng làm thầy của hàng chục con em dân tộc ở vùng cao, giờ đây, cặp vợ chồng giáo viên này đã có được hai đứa con của riêng mình.

Hạnh phúc sau 14 năm "săn con" của anh Hóa, chị Miền.
Hạnh phúc sau 14 năm "săn con" của anh Hóa, chị Miền.

Chị Vũ Thanh Miền quen anh Hoàng Triệu Hóa trong một lần đi công tác xuống Đồng Văn. Trước sự chất phác của thầy giáo cấp 2 Hóa, cô giáo mầm non Miền nhanh chóng cảm mến và nên duyên vợ chồng. 

Công việc bận rộn dạy và chăm các em nhỏ tại đây cuốn anh chị đi, chưa nghĩ tới có con. Sau một lần bị sảy thai chị càng khó đậu thai lại. Đến lúc thèm tiếng bi bô con trẻ, hai vợ chồng dắt nhau đi khám thì phát hiện chị bị hiếm muộn. "Bệnh chồng bệnh khiến tôi suy sụp. Ở tuổi còn trẻ, nhưng dự trữ buồng trứng ít, polyp cổ tử cung, tắc 2 vòi trứng, lạc nội mạc cơ tử cung. Bác sĩ nói gần như tôi không còn khả năng mang thai", chị Miền ngân ngấn nước mắt kể lại. 

Hành trình ròng rã đi 500km từ Hà Giang về Hà Nội khiến chị hết lần này tới lần khác chìm trong vô vọng. Mỗi lần về nhà, chị trở thành một người khác, tủi thân, lúc nào cũng chực trào nước mắt. Nhiều khi ôm những em nhỏ mình đang dạy dỗ vào lòng, chị lại khóc ngậm ngùi. 

Chị biết, chồng chị là con trai một, chịu nhiều điều tiếng kích bác của bạn bè, làng xóm. Áp lực vì nhà chồng quá tốt cũng khiến chị nghĩ không thể để gia đình anh tuyệt tự vì mình không thể sinh con.

"Tôi cũng đã 2 lần lên tòa xin đơn về bảo anh ký nhưng anh toàn xé đi. Anh động viên tôi tiếp tục cố gắng nếu không được thì xin con nuôi”. Anh Hóa vẫn kiên trì bền bỉ ở bên cạnh vợ như vậy hàng chục năm. 

Hành trình 14 năm
 Anh chị tăng gia sản xuất có thêm kinh phí trang trải cho hành trình tìm kiếm đứa con của mình.

Năm 2016, tình cờ đọc được thông tin về Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh chị lại tiếp tục khăn gói bước vào hành trình mới, quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Suốt 6 năm điều trị tại đây, trải qua 3 lần chọc trứng, 2 lần thụ tinh, 3 lần chuyển phôi, cuối cùng điều kỳ diệu đã đến. "Bác sĩ thông báo có được hai phôi. Đưa sổ khám cho chồng xem mà anh ấy không tin vào mắt mình. Cả 2 vợ chồng ôm nhau khóc giữa bệnh viện”, chị Miền rưng rưng chia sẻ.

BSCKI Phạm Văn Hưởng (Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cũng không giấu được xúc động chia sẻ, hành trình "săn con" của chị Miền gian nan và thách thức hơn rất nhiều cặp đôi khác. 

Sau 2 lần kích trứng và tiến hành gom trứng, chị Miền thụ được một thai nhưng phải bỏ thai ở tuần thứ 12 vì thai lưu. 

Đến năm 2020, vợ chồng chị Miền quay lại bệnh viện để tiếp tục hành trình tìm con của mình. Lần này may mắn hơn, chỉ với một lần kích, chị Miền đã chọc được 7 noãn. Điều đó khiến cho bác sĩ Hưởng cũng thấy lạc quan hơn hẳn vì sẽ được tạo phôi luôn, không phải để trữ đông nữa.

Ở lần chuyển phôi này, tưởng chừng mọi thứ thuận lợi, nhưng nỗi thất vọng lại ập tới khi chị bị thai ngoài tử cung. Đến lúc này, nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện buông xuôi và dừng lại nhưng chị vẫn muốn được một lần thực hiện thiên chức làm mẹ đầy thiêng liêng.

"Trường hợp của chị thực sự rất trớ trêu, cứ đang trên đường ngỡ là thuận lợi thì lại có tin thai mất sớm. Mỗi lần bỏ thai, bệnh nhân chịu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Người làm bác sĩ như chúng tôi cũng bị ám ảnh, dằn vặt", bác sĩ Hưởng chia sẻ.

Hành trình 14 năm
BSKC1 Phạm Văn Hưởng thực hiện chuyển phôi cho bệnh nhân

Ở lần thụ tinh thứ ba, khi chỉ còn 2 phôi, lúc mọi hy vọng chỉ còn le lói thì hạnh phúc lại đơm hoa. Và rồi cuối cùng, nhờ sự bền bỉ của bệnh nhân, sự kiên trì của các bác sĩ, chị Miền cũng mang thai đôi.

Thế nhưng, hành trình để giữ thai đôi suốt 9 tháng cũng vô cùng cam go với người phụ nữ này. Suốt thời gian mang bầu, chị tự thuê nhà ở Hà Nội vì quá nhiều bệnh lý cần phải theo dõi như  nguy cơ sảy thai hoặc sinh non cao, tiểu đường thai kỳ. Các bác sĩ phải hội chẩn chuyên khoa để phối hợp hỗ trợ điều trị.

Đặc biệt, ở tuần thai 20, vì bệnh lý nguy cơ sinh non nên phải khâu cấp cứu eo cổ tử cung để bảo đảm an toàn cho thai nhi, tránh sinh non. 

Hành trình 14 năm
 Hạnh phúc lớn với chị Miền khi sinh ra hai bé gái khỏe mạnh.

Trong hành trình chiến đấu giữ thai kỳ, chị Miền nhiều lần dọa sinh non nên gần như coi bệnh viện là nhà và người thân các y, bác sĩ bệnh viện. 

Đến tuần thứ 32 thì chị Miền sinh non, anh Hóa đã kịp xuống với vợ trước đó vài ngày. Nhắc về khoảnh khắc 2 con gái cất tiếng khóc chào đời anh chị không biết diễn tả ra sao. Vì có những niềm hạnh phúc không thể dùng lời để biểu đạt. Bé lớn chỉ nặng 1,6 kg, bé thứ 2 được 1,4 kg nên chị càng xót xa thương con.

Lúc này, một lần nữa ông trời lại thử thách anh chị khi con sinh ra phải nằm lồng ấp, chị Miền bị nhiễm Covid-19 nên không kịp thấy bé gái thứ 2 đã phải về quê cách ly. “Tôi nhớ con lắm lại bị tức sữa, cứ vừa vắt sữa vừa khóc nghĩ không biết con mình giờ thế nào, được ăn no không. Cứ như thế mà tôi sút 7 kg”, chị Miền xúc động chia sẻ về ngày tháng đằng đẵng. 

Bằng tất cả niềm tin mãnh liệt của một người mẹ, chị Miền cuối cùng cũng đã hái được quả ngọt là cặp sinh đôi rất xinh xắn. Giờ đây, căn nhà nhỏ của anh chị ở phố cổ Đồng Văn đã bừng sáng ngập tràn niềm vui.