Long An tập trung hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững

NDO - Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua nhiều mô hình “dân vận khéo” ở Long An đã giúp nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có sinh kế, vươn lên thoát nghèo và nâng cao cuộc sống trong từng nông hộ.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu Chiến binh xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) thăm mô hình trồng rau của gia đình bà Lương Thị Mơ.
Cựu Chiến binh xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) thăm mô hình trồng rau của gia đình bà Lương Thị Mơ.

Long An hiện có gần 1.000 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có hơn 180 mô hình phát triển kinh tế nông hộ. Tất cả các mô hình khéo dân vận đang giúp địa phương hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội.

Hiệu quả mô hình “dân vận khéo”

Ở xã biên giới Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), cách đây hơn 4 năm, Hội Cựu chiến binh xã nhận thấy trong xã còn hộ nghèo thiếu vốn trồng trọt, chăn nuôi... Để giúp bà con có điều kiện để vượt lên số phận, Hội Cựu chiến binh xã vận động hội viên thành lập “Quỹ góp vốn xoay vòng” đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Bà Lương Thị Mơ, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, là một trong những hộ dân thoát nghèo nhờ nguồn quỹ góp vốn xoay vòng chia sẻ, năm 1995 gia đình di dân từ bắc vào nam với hai bàn tay trắng. Mấy chục năm mưu sinh trên khu vực biên giới Long An vẫn không thoát cảnh nghèo. Từ đồng sinh kế của “Quỹ góp vốn xoay vòng” cho gia đình vay 18 triệu đồng, lãi suất 0,3%/tháng để phát triển kinh tế nông hộ.

Với số vốn vay, gia đình bà dành 5 triệu đồng mua máy xới đất để trồng 300 mét vuông rau các loại, phần còn lại trả tiền mướn đất trồng lúa. Thu nhập ổn định từ việc trồng rau và tiền lãi trồng lúa đã nuôi được 2 con học đại học ra trường có việc làm ổn định, trả hết nợ vay, gia đình đã thoát nghèo.

Long An tập trung hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững ảnh 1

Bà Lương Thị Mơ, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, thoát nghèo từ nguồn "quỹ góp vốn xoay vòng" do Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận vận động hội viên đóng góp.

Gia đình ông Nguyễn Đồng Hương, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp Kinh Mới (xã Vĩnh Thuận) cũng vay 18 triệu đồng từ nguồn quỹ “Quỹ góp vốn xoay vòng”. Cộng thêm 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông dồn cho con gái, một hộ cận nghèo khởi nghiệp mở cơ sở sơ chế nông sản đã mang lại thu nhập rất tốt, tạo thêm việc làm ổn định cho 4 lao động tại địa phương.

Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận Lê Văn Út cho biết, “Quỹ góp vốn xoay vòng” thành lập từ tháng 2/2019, với 12 cựu chiến binh đóng góp theo khả năng tự nguyện theo từng năm từ 1 đến 10 triệu đồng/hội viên. Nguồn quỹ góp vốn dành để cho hộ nghèo, cận nghèo là cựu chiến binh vay với lãi suất 0,3%/tháng để trồng trọt và chăn nuôi, buôn bán nhỏ... Với số vốn góp 20 triệu đồng lúc thành lập đã tạo được sức lan tỏa, đến tháng 10/2024 có tổng cộng 21 thành viên tham gia góp quỹ, với tổng số tiền 125 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), cho biết, qua gần 5 năm thành lập, “Quỹ góp vốn xoay vòng” đã có 14 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế hộ đã thoát nghèo bền vững, góp phần cho xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Mô hình đang lan tỏa qua nhiều xã khác trên khu vực biên giới Long An.

Long An tập trung hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững ảnh 2

Mô hình Hũ gạo tình thương do Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ, Long An) thực hiện đã giúp gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh luôn no bụng.

Đối với lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Nam, Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ, Long An), ngoài việc thực hiện chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đơn vị đã làm tốt công tác dân vận, phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương tổ chức tốt các hoạt động tham gia giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, như: chung tay xây dựng nông thôn mới; sửa chữa, xây nhà mới; vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển… Trong an sinh xã hội, đơn vị đã thực hiện mô hình Hũ gạo tình thương giúp gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn trên địa bàn đơn vị kiểm soát luôn no bụng.

Bà Hồ Thị Cho, ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, thuộc gia đình chính sách chia sẻ, lực lượng biên phòng đứng chân biên giới giúp bà con nhiều việc lắm. Thí dụ như việc sửa nhà, làm đường, giúp dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, được ăn no, mặc đẹp, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình neo đơn. Quân dân ở khu vực biên giới như “môi với nước”, đặc biệt là bảo vệ biên giới bình yên.

Long An tập trung hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững ảnh 3

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ, Long An) giúp dân làm sạch cảnh quan môi trường trong thôn khu vực biên giới.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây (Đức Huệ, Long An), cho biết, bộ đội đã được Đảng, Nhà nước chăm lo, đời sống rất tốt, theo đó đơn vị đã vận động mỗi cán bộ, chiến sĩ tự nguyện tham gia ủng hộ một nắm gạo từ nguồn gạo phân chia theo định lượng bữa ăn mỗi ngày để vào hũ, đến cuối tháng lấy ra hỗ trợ 3 gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn trên địa bàn đơn vị kiểm soát; nếu không đủ đơn vị trích quỹ tăng gia sản xuất để mua gạo bổ sung.

Qua 4 năm thực hiện đơn vị đã trao tặng được khoảng 2,5 tấn gạo cho 165 lượt hộ gia đình tại 3 xã Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình, Bình Hòa Hưng, mỗi hộ 15 kg gạo/tháng.

Xóa nghèo từ mô hình phát triển kinh tế

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ở Long An đã có nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo được các hội, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai thực hiện đã tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế hộ, có thu nhập ổn định đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Long An tập trung hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững ảnh 4

Mô hình nuôi ếch đã giúp người dân nghèo, cận nghèo có sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Minh Hiền, ấp 2, xã Long Thạnh (Thủ thừa, Long An), là hộ cận nghèo được địa phương hỗ trợ vốn thực hiện mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô đầu vuông, đã thoát nghèo.

Ông Hiền chia sẻ, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện mô hình, được học hỏi khoa học, kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả, giúp gia đình có thêm thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình đã cải thiện đáng kể, đã thoát khỏi hộ nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Thạnh (Thủ Thừa, Long An) Trần Minh Kha cho biết, để từng bước xóa dần hộ nghèo trên địa bàn, xã đã xây dựng mô hình nuôi ếch thịt, nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô đầu vuông. Khi đó xã chọn 4 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo để thực hiện thí điểm, tổng số tiền hỗ trợ hơn 61 triệu đồng. Sau 4 tháng nuôi, các hộ nuôi đều có lãi và đã thoát nghèo bền vững. Mô hình đã được địa phương nhân rộng ra nhiều dân trong xã thực hiện rất hiệu quả.

Mô hình đan giỏ bằng nguyên liệu lục bình tại ấp 1, xã Long Thạnh (Thủ Thừa, Long An) do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai thực hiện đã và đang giúp cho người lao động nông thôn, người già và trẻ em thêm thu nhập ổn định.

Long An tập trung hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững ảnh 5

Mô hình đan giỏ bằng nguyên liệu lục bình đang giúp cho người lao động nông thôn, người già và trẻ em thêm thu nhập ổn định.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Long Thạnh Lê Thị Điền cho biết, năm 2020, mô hình đan giỏ bằng nguyên liệu lục bình được thành lập có 18 thành viên tham gia. Hội Phụ nữ xã đứng ký hợp đồng với Công ty Kim Hoa (tỉnh Tiền Giang) trong việc nhận nguyên vật liệu, giao thành phẩm và quyết toán tiền công. Với công việc nhẹ nhàng, dễ làm, không tốn quá nhiều sức lao động, phù hợp mọi đối tượng, kể cả người già và trẻ em.

Mô hình đi vào hoạt động hiệu quả đã thu hút thêm nhiều chị em phụ nữ trong xã nhận nguyên vật liệu về nhà làm. Trung bình mỗi tháng, mô hình giao cho công ty khoảng 3.000 sản phẩm, với hơn 60 thành viên tham gia, thu nhập từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Võ Thị Nhành (ấp 1, xã Long Thạnh) chia sẻ, bà tham gia mô hình đan lục bình gần 4 năm rồi, kiếm được 3 triệu đồng/tháng, nhờ vậy có thêm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, không phải đi làm thuê, mướn xa nhà.

Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Long An Nguyễn Việt Cường cho biết, Long An hiện có gần 1.000 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có hơn hơn 180 mô hình phát triển kinh tế nông hộ. Tất cả các mô hình dân vận khéo đã và đang góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân, đang giúp Long An sớm hiện thực hóa mục tiêu xóa nghèo bền vững trong việc xây dựng quê hương Long An ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.