Là xã khó khăn nhất và là xã cuối cùng chưa đạt chuẩn nông thôn mới ở huyện Đồng Hỷ, Văn Lăng có gần 1.500 hộ gia đình, dân số hơn 6 nghìn người với 8 dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% dân số. Nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ, xã Văn Lăng huy động cả hệ thống chính trị, tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ở đây.
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội có tính chất bao trùm, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng mức thu nhập, cải thiện đời sống người dân xã Văn Lăng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường cho biết: “Chúng tôi xác định sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của huyện, ba chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư, hỗ trợ, vận động người dân phát triển kinh tế gia đình”.
Tập trung hỗ trợ xã Văn Lăng giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, nâng thu nhập cho người dân, năm 2024 với sự tham mưu của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, cấp ủy, chính quyền huyện Đồng Hỷ tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn xã hội hóa, trong đó ưu tiên các xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, 100% đồng bào Mông sinh sống như Liên Phương, Bản Tèn.
“Đợt cao điểm chung sức xây dựng xã Văn Lăng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024” do cấp ủy, chính quyền huyện tổ chức, chỉ đạo trong tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, với nguồn vốn 1,2 tỷ đồng vận động xã hội hóa, các ban, phòng, đoàn thể cử cán bộ cùng với gần 100 cán bộ, chiến sĩ Quân khu I về hai xóm Bản Tèn và Liên Phương giúp chữa, chỉnh trang nhà ở, làm nhà vệ sinh, khoan giếng cho 56 hộ; xây dựng tuyến đường vào khu vực trồng Sâm Bố Chính dài 1,2km, tạo động lực để người dân giảm nghèo. Tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm lưu động, 2 lớp đào tạo nghề cho lao động tại xóm Bản Tèn và xóm Liên Phương với gần 70 học viên tham dự.
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ thăm hỏi, động viên người dân xã Văn Lăng tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo. |
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được hỗ trợ bò giống từ các chương trình mục tiêu quốc gia, thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi bò để các hộ trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau phát triển chăn nuôi hiệu quả; triển khai hỗ trợ phát triển cây chè, phát triển rừng. Đây là những giải pháp đang phát huy hiệu quả để người dân có thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững.
Đầu năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều của xã Văn Lăng là 30,93% số hộ, với sự giúp đỡ của hệ thống chính trị, người dân nỗ lực vươn lên nên đến nay tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 15,97% số hộ, đạt tiêu chí hộ nghèo đối với xã nông thôn mới năm 2024.
Trên phạm vi toàn huyện, với sự tham mưu của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững là Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tập huấn, đào tạo nghề hướng vào khai thác tiềm năng, lợi thế của kinh tế rừng, cây chè, chăn nuôi, các loại cây ăn quả để giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại chỗ và đi làm công nhân, xuất khẩu lao động. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.
Cùng với các nguồn lực đầu tư từ ngân sách, huyện Đồng Hỷ xác định tín dụng ưu đãi là kênh dẫn vốn quan trọng, tạo nguồn lực để người dân thoát nghèo nên quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi, phát huy hiệu quả.
Đồng chí Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Chúng tôi xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, cần kiên trì, bền bỉ triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ, định hướng, động viên để các hộ vươn thoát nghèo một cách bền vững, có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Chỉ tiêu huyện Đồng Hỷ đề ra năm 2024 giảm 2,12% hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,79%, đạt 131,6% mục tiêu đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đầu năm từ 9,95% xuống còn 7,16% số hộ”.
Là một huyện miền núi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông- lâm nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số, đến hết năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn Đồng Hỷ giảm còn hơn 7% số hộ (3,84% hộ nghèo, 3,32% hộ cận nghèo) là sự nỗ lực, kiên trì, hướng đi đúng, phù hợp thực tiễn của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và toàn dân trong sự nghiệp giảm nghèo.