Những mô hình giảm nghèo hiệu quả

Sau ngày đất nước thống nhất, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước khởi đầu chương trình “xóa đói, giảm nghèo” vào năm 1992. Hơn 25 năm, trải qua năm giai đoạn với cách làm sáng tạo, không ngừng đổi mới, bước đi sát hợp, chương trình đã đạt nhiều kết qủa tích cực, có sức lan tỏa rộng. Bước sang giai đoạn mới, thành phố đang triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững (giảm nghèo đa chiều) giúp người nghèo thụ hưởng thêm nhiều chính sách...

Bà Phạm Thị Hóa và con gái may gia công tại nhà.
Bà Phạm Thị Hóa và con gái may gia công tại nhà.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Phạm Thị Hóa ở phường 8, quận 6. Tầng dưới của căn nhà cấp bốn gác lửng vừa là phòng khách, vừa là nơi để gia đình bà may gia công chất đầy những chồng vải. Trước đây, gia đình bà Hóa đã nghèo lại càng nghèo hơn khi chồng bà bị bệnh qua đời để lại ba đứa con đang trong độ tuổi ăn học. “Lúc đó, gánh nặng đè lên vai, tôi không biết làm sao để có tiền cho con ăn học dù đã làm đủ mọi công việc, từ làm thuê cho đến buôn bán dạo. Nhờ chính quyền địa phương cho vay vốn làm ăn, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các con tôi được miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, rồi hỗ trợ tiền xây dựng nhà tình thương, cuộc sống dần dần ổn định”, bà Hóa xúc động nhớ lại.

Ðến nay, gia đình bà Hóa đã có thu nhập ổn định từ công việc may gia công tại nhà. Các con bà đều học giỏi, cố gắng hỗ trợ mẹ may gia công để tăng thêm thu nhập và đã thoát nghèo với mức thu nhập hơn 28 triệu đồng/người/năm. Bà Hóa vui mừng kể: “Con gái lớn của tôi hiện là sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ðược như ngày hôm nay là nhờ Hội Khuyến học của phường đề xuất cấp học bổng khuyến tài mỗi năm cho cháu 2,5 triệu đồng để đóng học phí; được phường 8 vận động nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng 1 và 1 (một nhà hảo tâm đỡ đầu, giúp đỡ cho một sinh viên nghèo). Tất cả các khoản học phí, sách vở đều được hỗ trợ cho đến khi tốt nghiệp đại học”.

Với diện tích trồng lúa chỉ có ba sào, ông Dương Văn Cường ở ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh dù cố gắng làm ăn nhưng vẫn không đủ nuôi sống gia đình. Năm 2011, được Hội Nông dân xã Phong Phú hướng dẫn học tập mô hình nuôi cá kiểng, đồng thời hằng năm được vay 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ việc làm của thành phố, ông đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang cải tạo ao nuôi cá kiểng giống. Ðến năm 2015, gia đình ông đã thoát nghèo (chuẩn nghèo giai đoạn 2014 - 2015, thu nhập từ dưới 16 triệu đồng/người/tháng). "Ðến cuối năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo hoàn toàn với thu nhập 72 triệu đồng/người/năm và được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện”, ông Cường hồ hởi nói…

Ðổi mới tư duy, cách làm phù hợp với từng hoàn cảnh của người nghèo, tạo đà cho họ vươn lên được xem là mấu chốt quan trọng để thành phố thực hiện thành công Chương trình giảm nghèo bền vững. Với mục đích tạo việc làm cho các hộ nghèo, Tổ gia công mỹ phẩm khu phố 6, phường Phước Long A, quận Thủ Ðức được thành lập giữa năm 2017. Tổ hoạt động theo quy chế và chịu sự giám sát của Ủy ban MTTQ, Ban vận động Vì người nghèo phường Phước Long A; được sự hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu nguồn hàng từ ông Nguyễn Ngọc Tương là ủy viên Ủy ban MTTQ phường liên hệ với các công ty đem sản phẩm phân phối cho các hộ nghèo làm gia công tại nhà. Ðến nay, tổ đã giải quyết việc làm cho 16 thành viên hộ nghèo với mức thu nhập bình quân hơn ba triệu đồng/người/tháng và đã có bốn hộ thoát nghèo.

Tại thành phố hiện có rất nhiều mô hình thiết thực khác giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo, như mô hình Tổ hợp may vượt nghèo; Tổ hợp dạy nghề cho hộ nghèo, cận nghèo; Tổ tự quản giảm nghèo... Ðồng chí Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 6, quận đầu tiên của thành phố hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo cho biết: “Cái gốc của công tác giảm nghèo bền vững là tạo cho người nghèo có học vấn, có nghề nghiệp, nhất là nhận thức để vươn lên và quận 6 luôn chú trọng việc này. Từ đầu giai đoạn 2016 - 2020, toàn quận có 660 hộ nghèo với 3.541 người, chiếm tỷ lệ 1,13% tổng hộ dân, đến nay, toàn bộ các hộ nghèo này đã có thu nhập vượt chuẩn nghèo của thành phố”.

Đến nay, ngoài quận 6, quận 3 và quận 5 cũng đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững thành phố, đầu giai đoạn 2016 - 2020, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, toàn thành phố có 77.090 hộ, chiếm 3,36% tổng số hộ dân. Sau hơn hai năm thực hiện, thành phố chỉ còn 21,8 nghìn hộ nghèo theo chuẩn thành phố (thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, gấp gần hai lần so với chuẩn nghèo quốc gia), chiếm 1,1% tổng số hộ dân trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm nay sẽ có thêm tám quận không còn hộ nghèo, đồng thời kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,3%, tức về đích trước hai năm so với kế hoạch đề ra cho toàn giai đoạn.

Ðồng chí Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững thành phố cho biết: “Ðiểm khác biệt trong Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 so với các giai đoạn trước là thành phố không chỉ chú trọng vào giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập, mà còn có thêm năm “chiều” nghèo về các mặt: giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Do đó, trong giai đoạn này, phương pháp tiếp cận cũng phải đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Thành phố cũng được chọn làm điểm để thực hiện Chương trình giảm nghèo đa chiều, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra cả nước…”.