Linh hoạt giải pháp, thực hiện hiệu quả các mục tiêu

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả, cho nên năm 2023, thành phố Hà Nội đã đạt kết quả phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục hướng tới các mục tiêu lớn hơn trong năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 14. (Ảnh DUY LINH)
Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 14. (Ảnh DUY LINH)

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn, năm 2023, các cấp, các ngành đã nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Thu ngân sách tiếp tục tăng cao

Nhờ đó, kinh tế-xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó ba chỉ tiêu vượt kế hoạch. Ước cả năm 2023, GRDP của thành phố tăng 6,27%, thấp hơn kịch bản đề ra, nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng hơn 5%); thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm; đời sống người dân tiếp tục được nâng lên.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô trong tương lai như: Phối hợp Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6; dự kiến Quốc hội thông qua kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Các cơ quan chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; hoàn thành và triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, nổi bật là khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, mục tiêu hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Bên cạnh kết quả nêu trên, kết quả phát triển năm 2023 của thành phố còn một số hạn chế. Đó là kinh tế không đạt kế hoạch tăng trưởng 7%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 1% - không đạt kế hoạch là 6%; chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được như kỳ vọng. Các nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chậm tiến độ so với yêu cầu. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thông thoáng; chỉ số PCI năm 2022 giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm ba bậc so với năm 2021.

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm của năm 2023, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát năm 2024 là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Thành phố đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6,5 đến 7%; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ 10,5 đến 11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%...

Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16, các đại biểu cho rằng nhiệm vụ, chỉ tiêu trong năm 2024 là khá nặng nề, trong bối cảnh khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nỗ lực cố gắng ngay từ đầu năm. Hiện nay, các địa phương gặp khó khăn về thu thuế, thu tiền sử dụng đất dự án, tình hình đấu giá…, đề xuất thành phố hỗ trợ các địa phương để tháo gỡ các khó khăn này, nhất là phục hồi thị trường bất động sản.

Đại biểu Hội đồng nhân dân Phạm Đình Đoàn cho rằng, vừa qua các doanh nghiệp rời khỏi thị trường có xu hướng tăng, số doanh nghiệp giải thể tăng 15%... cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và của Thủ đô nói riêng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu mong muốn thành phố có thêm nhiều giải pháp hơn nữa, cho thấy sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, thể hiện Thủ đô gương mẫu đi đầu nâng cao chỉ số phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ, các doanh nghiệp không chỉ mong muốn giảm lãi suất mà cần những chính sách hỗ trợ nhìn thấy ngay để vượt qua khó khăn. Vì vậy, đại biểu mong muốn thành phố xem xét, thúc đẩy nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức kết nối những sản phẩm trọng điểm của thành phố.

Đồng tình với các ý kiến này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2024, thành phố sẽ thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhấn mạnh, thành phố xác định ngoài vấn đề về thể chế, hạ tầng thì yếu tố con người là quyết định.

Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra, thành phố tiếp tục chú trọng hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đột phá vì lợi ích chung, vì công việc chung; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.