Mở rộng kết nối cho vận tải hành khách công cộng

Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội còn nhiều hạn chế. Cùng với việc tập trung phát triển vận tải hành khách khối lớn, thành phố đang nghiên cứu đa dạng hóa các loại hình phương tiện, trong đó có xe điện bốn bánh.
0:00 / 0:00
0:00
Xe điện phục vụ khách du lịch tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Xe điện phục vụ khách du lịch tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Mô hình xe điện bốn bánh chở khách du lịch trong khu vực hạn chế được thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện từ năm 2010, trong đó Công ty cổ phần Ðồng Xuân là đơn vị tiên phong, phục vụ chuyên chở khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm.

Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Nguyễn Tuyển cho biết, đến thời điểm này, thành phố có tổng cộng 179 xe điện của tám doanh nghiệp đang hoạt động thí điểm tại sáu khu vực hạn chế gồm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; hồ Tây; khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm; tuyến kết nối hai điểm Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm-Hoàng thành Thăng Long; quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương); Khu du lịch làng cổ Ðường Lâm. Toàn bộ các phương tiện của tám đơn vị đang hoạt động đều được cấp biển số theo quy định của Bộ Công an; được kiểm định an toàn kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Ðại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá: “Quá trình thí điểm cho thấy, loại hình này có các ưu điểm là hạn chế tối đa lượng khí thải ra môi trường; không gây tiếng ồn trong quá trình vận hành, phương tiện có thiết kế nhỏ gọn, phù hợp điều kiện của các khu du lịch, điểm tham quan, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông; giúp người dân, khách du lịch có thêm phương án lựa chọn phương tiện đi lại. Xe điện đã tạo dựng được hình ảnh mới, đẹp, văn minh về giao thông đô thị”.

Anh Lê Văn Hùng (quận Ðống Ða) cho biết: “Gia đình tôi thi thoảng có khách ở các tỉnh, thành phố khác đến chơi. Tôi hay mời mọi người đi chơi bằng xe điện để tham quan phố cổ vì thuận tiện, văn minh. Loại hình này giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận, ngắm cảnh thuận lợi, thoải mái ”.

Việc sử dụng xe điện bốn bánh chở khách đã từng bước khắc phục tình trạng “cò mồi”, chèo kéo và đeo bám khách du lịch. Phương tiện này cũng giúp cho người dân, khách du lịch có thêm phương án lựa chọn khi đi lại, thay vì đi bộ, đi xe xích-lô, “xe ôm” hay xe ta-xi...

Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, xe điện bốn bánh cũng cho thấy một số nhược điểm như: Hoạt động sai mục đích, sai lộ trình quy định, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông; chưa có quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh.

Hơn nữa, loại hình này mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm tại khu vực phố cổ và một số phạm vi hạn chế, chưa phục vụ được đông đảo nhân dân. Trong khi đó, dù hai tuyến đường sắt đô thị đã đi vào hoạt động, nhưng hiện sự kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng khác vẫn còn hạn chế. Mạng lưới xe buýt đã có, nhưng nhu cầu của người dân rất lớn và cần các phương tiện cơ động hơn.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố cho phép các đơn vị đang hoạt động thí điểm tiếp tục hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại và tham quan du lịch của người dân trên địa bàn đến hết ngày 31/12/2024. Kể từ ngày 1/1/2025, các phương tiện này thực hiện theo quy định của Luật Ðường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoạt động vận tải đối với loại hình này.

Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trình Chính phủ một số quy định đặc thù đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện để làm căn cứ trong hoạt động quản lý, triển khai.

Cụ thể, về phạm vi hoạt động, xem xét mở rộng phạm vi hoạt động của loại hình này một cách hợp lý để không chỉ phục vụ mục đích du lịch mà còn phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng, tăng cường tính kết nối giữa các phương thức, loại hình vận tải hành khách công cộng, kết nối metro Cát Linh-Hà Ðông với metro Nhổn-ga Hà Nội, giữa các tuyến đường sắt đô thị với xe buýt...

Ðại diện Sở Giao thông vận tải cho biết đang nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng loại hình này. Xe điện bốn bánh không trợ giá sẽ chạy theo tuyến cố định, chạy theo lộ trình, vừa kết hợp du lịch, vừa phục vụ vận tải hành khách công cộng để người dân có thể tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn.

Các phương tiện cần được đăng ký phù hiệu định kỳ hằng năm, bắt buộc lắp và sử dụng thiết bị giám sát hành trình như với ô-tô kinh doanh vận tải. Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng quy định cụ thể về niên hạn sử dụng đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển khách này (không áp dụng đối với xe hoạt động trong đường nội bộ); xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với loại xe này. Ðể xe điện bốn bánh có thể tham gia kinh doanh vận tải, doanh nghiệp phải có ứng dụng phần mềm vận tải để hành khách đăng ký dịch vụ và cung cấp tài khoản cho cơ quan quản lý nhà nước theo dõi.

Về giá cước, thuế, phí, Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính xem xét ban hành quy định, hướng dẫn về kê khai giá cước đối với việc sử dụng xe bốn bánh sử dụng động cơ điện cho phù hợp.