Công trình có kiến trúc Đông Dương đầu tiên ở Hà Nội

Không nổi bật như Nhà hát Lớn, nhưng toà nhà chính của Ðại học Quốc gia Hà Nội (trước kia là Ðại học Ðông Dương và tiếp đó là Ðại học Tổng hợp Hà Nội) tại 19 phố Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại là kiến trúc độc đáo - kiến trúc đầu tiên có sự giao thoa văn hóa Ðông và Tây. Giữa tháng 11 này, công trình mở cửa đón người dân bằng nhiều hoạt động nghệ thuật.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại học Quốc gia Hà Nội mang vẻ đẹp Á - Âu điển hình của kiến trúc Ðông Dương.
Ðại học Quốc gia Hà Nội mang vẻ đẹp Á - Âu điển hình của kiến trúc Ðông Dương.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc nổi bật được xây dựng trong thời kỳ Pháp thuộc trước năm 1954, như: Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Nhà khách Chính phủ... và hàng trăm biệt thự. Nhiều người vẫn nhầm lẫn tất cả chúng đều là kiến trúc Pháp. Trên thực tế, những công trình này mang nhiều phong cách khác nhau, trong đó, có một phong cách độc đáo là phong cách kiến trúc Ðông Dương.

Sau một thời gian xâm chiếm, tiếp quản, xây dựng Hà Nội, người Pháp nhận ra cái đẹp của văn hóa bản địa, đồng thời, nhận ra việc tích hợp những yếu tố bản địa không chỉ tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn khắc phục được đặc điểm của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa ở Việt Nam. Sự kết hợp giữa kiến trúc kinh viện châu Âu với kiến trúc bản địa Việt Nam đã tạo ra kiến trúc Ðông Dương. Công trình Ðại học Quốc gia Hà Nội (thời Pháp là Ðại học Ðông Dương, số 19 phố Lê Thánh Tông) chính là kiến trúc đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng theo phong cách này.

Ðến nay, công trình vẫn giữ nguyên vẻ ngoài cổ điển sau gần 100 năm xây dựng. Sảnh hội trường chính có cấu trúc hai tầng mái, lợp ngói, gợi lại cảm giác về những ngôi chùa có kiến trúc tám mái ở Bắc Bộ. Hệ thống con sơn đỡ mái, họa tiết hồi văn chữ Vạn… được sử dụng rộng rãi. Chúng không xung đột với dáng vẻ tổng thể một kiến trúc kiểu châu Âu, mà khiến công trình trở nên mềm mại, dễ gần.

Một yếu tố Việt khác nổi bật trong trang trí của công trình là bức tranh sơn dầu khổ lớn đặt ở giảng đường phía bên tay trái sảnh chính. Bức tranh khổ 11x7m, vẽ theo phong cách bích họa phương Tây, nhưng nội dung lại hoàn toàn Việt Nam. Không gian chính là một chiếc cổng làng, với tán cây sum suê phủ bóng. Trước cổng làng là hơn 200 nhân vật đại diện cho xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20 và những nội dung mà Ðại học Ðông Dương giảng dạy.

Sảnh chính của công trình cũng là nơi các nhà thiết kế chăm chút tỉ mỉ nhất. Phía bên trong là mái vòm cao vút, với những hàng cột lớn giống như một gác chuông nhà thờ; vòm cửa chính rất lớn với những ô kính vừa lấy ánh sáng, vừa để trang trí cũng xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật. Các tòa nhà khác cũng được thiết kế hài hòa các đường nét trang trí, từ khung cửa, lối đi cho đến các bậc cầu thang.

Tòa nhà của Ðại học Quốc gia Hà Nội sẽ trở thành không gian nghệ thuật trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 trưng bày Cảm thức Ðông Dương với tất cả 22 tác phẩm, cụm tác phẩm. Khách tham quan sẽ được tìm hiểu về bức tranh khổ lớn, khám phá các nhân vật “cử động” thông qua công nghệ. Những ô kính ở sảnh chính là nơi diễn ra triển lãm Sắp đặt ánh sáng với mục đích khai thác ô kính để tôn vinh tòa nhà, tôn vinh những vẻ đẹp Hà Nội trầm mặc đầy hoài niệm.

Cảm thức Ðông Dương là một đại triển lãm dùng nghệ thuật tôn vinh nghệ thuật, để từ đó, thể hiện sự kế thừa, tiếp nối và phát huy những giá trị di sản kiến trúc của Hà Nội. Khách tham quan được khám phá miễn phí công trình này trong thời gian diễn ra lễ hội, từ ngày 9-17/11.