Liên tiếp xử phạt doanh nghiệp vi phạm tuyển lao động đóng tàu đi Hàn Quốc

NDO - 4 công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa bị xử phạt hành chính với tổng số tiền lên tới 220 triệu đồng. Lý do là doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy trình chuẩn bị nguồn lao động đóng tàu đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (Ảnh minh họa: Colab).
Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (Ảnh minh họa: Colab).

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa ban hành các quyết định xử phạt hành chính 4 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền lên tới 220 triệu đồng. Lý do là doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy trình chuẩn bị nguồn lao động đóng tàu đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mức phạt 50 triệu đồng mỗi đơn vị. Đó là Công ty TNHH một thành viên đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO) và Công ty TNHH một thành viên Hợp tác quốc tế xây lắp 3 - INCOOP3 vì lý do chuẩn bị nguồn đi lao động tại Hàn Quốc theo thị thực E7 ngành đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận.

Hình thức phạt bổ sung với hai doanh nghiệp là đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 12 tháng. Trước khi hết thời hạn đình chỉ, hai doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc chấn chỉnh hoạt động chuẩn bị nguồn theo quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện hình thức phạt bổ sung kể từ ngày nhận quyết định.

Trước đó, cơ quan này cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Vạn Xuân Vivanxan và Công ty cổ phần Công nghệ cao Phúc Thái mức phạt 60 triệu đồng/doanh nghiệp, với cùng một nội dung vi phạm và lý do như trên.

Tuy nhiên, hai công ty này phải chấp hành hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 18 tháng. Trước khi hết thời gian đình chỉ, Công ty cổ phần Vạn Xuân Vivanxan và Công ty Phúc Thái phải báo cáo bằng văn bản gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc chấn chỉnh hoạt động chuẩn bị nguồn theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 24 đơn vị/cơ sở.

Theo kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mới được phê duyệt ngày 1/11, lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng là một trong tám nội dung về chính sách lao động-xã hội được thanh tra trong thời gian tới.

Cụ thể, thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 24 đơn vị/cơ sở.

Theo danh sách được công bố, địa bàn thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai trên 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh. Trong đó, Hà Nội là địa phương có số doanh nghiệp cần thanh tra nhiều nhất - 17 đơn vị. Công ty TNHH một thành viên đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO) và Công ty cổ phần Vạn Xuân Vivanxan vừa bị xử phạt hành chính ở trên cũng thuộc danh sách cần thanh tra sắp tới.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 19 doanh nghiệp. Các đơn vị này có địa chỉ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, An Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa. Trong đó, Hà Nội có số doanh nghiệp cần thanh tra nhiều nhất, 11 đơn vị. Tiếp đó là Thành phố Hồ Chí Minh, 3 đơn vị.