Bảo đảm quyền lợi cho lao động đóng tàu theo thị thực E7 sang Hàn Quốc

Các doanh nghiệp tuyển chọn, kiểm tra lao động ngành đóng tàu theo thị thực E7 sang Hàn Quốc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật của hai nước, cung cấp thông tin chính xác với người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động. Doanh nghiệp cũng không được thu tiền tuyển chọn của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh minh họa: Dolab)
(Ảnh minh họa: Dolab)

Lương của lao động đóng tàu thị thực E7 không thấp hơn 2.683.000 won/tháng

Liên quan đến chính sách của Hàn Quốc về cấp thị thực E7 cho lao động ngành đóng tàu, thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp các tổ chức của Hàn Quốc để tuyển chọn và kiểm tra tay nghề người lao động không theo đúng quy định pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách tiếp nhận lao động ngành đóng tàu (thị thực E7) của Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin cụ thể như sau.

Về bên ký kết hợp đồng cung ứng lao động, bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong ngành đóng tàu thị thực E7 Hàn Quốc gồm: người sử dụng lao động (doanh nghiệp trong ngành đóng tàu Hàn Quốc) hoặc tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng giới thiệu việc làm theo quy định của Hàn Quốc (doanh nghiệp trung gian Hàn Quốc).

Theo quy định của Hàn Quốc, mỗi doanh nghiệp trong ngành đóng tàu được tuyển dụng số lao động nước ngoài thị thực E7 tối đa bằng 20% tổng số lao động người Hàn Quốc đang làm việc tại doanh nghiệp.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nêu rõ một số nội dung của hợp đồng cung ứng lao động.

Cụ thể, thời giờ làm việc là 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần (ngoài 40 giờ/tuần được tính là thời gian làm thêm). Thời gian làm thêm giờ không quá 12 giờ/tuần (52 giờ/tháng).

Tiền lương của người lao động không thấp hơn quy định của Hàn Quốc đối với lao động ngành đóng tàu năm 2022 là 2.683.000 won/tháng và sẽ được điều chỉnh hằng năm. Tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật Hàn Quốc.

Về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, người sử dụng lao động cung cấp chỗ ở và ăn cho người lao động trên cơ sở thỏa thuận, bao gồm cả chỗ ở tạm thời sau khi nhập cảnh.

Trường hợp người lao động phải chi trả toàn bộ tiền ở và ăn thì mức chi trả không quá 20% tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp người lao động được cung cấp miễn phí bữa ăn thì mức chi trả tiền nhà không quá 15% tiền lương tháng.

Người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 1 lượt vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam đến Hàn Quốc hoặc trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Đồng thời, chi trả chi phí đưa người lao động từ sân bay về nơi ở hoặc nơi đào tạo sau khi nhập cảnh và chi phí giáo dục định hướng người lao động trước khi làm việc.

Lao động ngành đóng tàu theo thị thực E7 sang Hàn Quốc:

Thời giờ làm việc là 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần (ngoài 40 giờ/tuần được tính là thời gian làm thêm).

Thời gian làm thêm giờ không quá 12 giờ/tuần (52 giờ/tháng).

Tiền lương của người lao động không thấp hơn quy định của Hàn Quốc đối với lao động ngành đóng tàu năm 2022 là 2.683.000 won/tháng và sẽ được điều chỉnh hằng năm.

Tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật Hàn Quốc.

Có hai loại chi phí khác liên quan đến thủ tục tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Thứ nhất, chi phí đào tạo, kiểm tra, xác nhận trình độ kỹ năng nghề, làm hồ sơ, thủ tục (khám sức khỏe, xác nhận giấy tờ xin thị thực,...) tại Việt Nam mà người lao động chi trả, thì thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, chi phí trả cho tổ chức dịch vụ việc làm Hàn Quốc (doanh nghiệp trung gian) được ủy quyền tuyển dụng lao động do người sử dụng lao động chi trả.

Thực hiện đúng quy định lao động của pháp luật hai nước

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc; cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động. Việc tuyển chọn được thực hiện trực tiếp và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn. Cùng với đó, cần thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng đã được chấp thuận.

Các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc; cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động.
Việc tuyển chọn được thực hiện trực tiếp và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn.
Cục Quản lý lao động ngoài nước

Cơ quan này cũng nêu rõ, trong vòng 5 ngày kể từ khi kết thúc thời gian đăng ký chuẩn bị nguồn (nếu có), thời gian đăng ký tuyển chọn hoặc khi tuyển hết số lao động được chấp thuận, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước kết quả chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động kèm theo danh sách người lao động.

Từ năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã cung ứng gần 100 thợ hàn đóng tàu đi làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập và chế độ làm việc tốt.

Việc mở rộng tiếp nhận lao động kỹ thuật nói chung và lao động ngành đóng tàu nói riêng của Hàn Quốc là giải pháp quan trọng để tháo gỡ vấn đề thiếu hụt nhân lực tại nước này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam đi làm việc tại thị trường này.

Bảo đảm quyền lợi cho lao động đóng tàu theo thị thực E7 sang Hàn Quốc ảnh 1

Ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước - Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc năm 2019 (Ảnh: Dolab).

Lao động kỹ thuật theo thị thực E7 là một trong những chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc được nhiều lao động Việt Nam tìm hiểu. Người lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc, hoặc thông qua các hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam đang làm việc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với thị thực E7.

Hiện tại, có khoảng 3.500 lao động kỹ thuật đang làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu trong các lĩnh vực: điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy.

Lao động Việt Nam đang làm việc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với thị thực E7.

Nhiều năm qua, Hàn Quốc vẫn là một trong những thị trường tiếp nhận lao động được lao động Việt Nam ưa thích. Trong 9 tháng đầu năm, có 1.668 lao động trong nước sang làm việc tại đây.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 103 nghìn người, trong đó có gần 37,3 nghìn lao động nữ. Thị trường Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba trong danh sách thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng.