Ngày 25/8, đặc phái viên của Liên hợp quốc về Trung Đông Tor Wennesland kêu gọi các bên liên quan hãy khôi phục một cách thực chất tiến trình hòa bình, nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây ra cuộc xung đột Israel-Palestine.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an tại cuộc họp về Trung Đông ngày 25/8, đặc phái viên Wennesland cho biết, hiện lệnh ngừng bắn do cả Israel và lực lượng Hồi giáo Jihad của Palestine đưa ra vẫn có hiệu lực sau 3 ngày leo thang quân sự hồi đầu tháng 8.
Cửa khẩu Erez và Kerem Shalom vẫn được mở từ ngày 8/8, cho phép nhập hàng hóa và nguyên liệu thiết yếu vào Gaza.
Ông cho biết hiện Liên hợp quốc đang phối hợp với các đối tác để bảo đảm cung cấp các hàng hóa khẩn cấp cho những người dân cần nhất trong khu vực này.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc khẳng định, lệnh ngừng bắn đã tránh cho tình hình leo thang thành 1 cuộc chiến toàn diện mà hậu quả sẽ hết sức thảm khốc, đồng thời tạo cơ hội để các biện pháp hòa bình đã được áp dụng suốt 1 năm qua được duy trì, giảm thiểu khó khăn kinh tế cho người dân ở Gaza.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn chỉ chấm dứt được xung đột một cách tạm thời, không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ gây ra xung đột.
Trên thực tế, bạo lực đã gia tăng ở hầu hết khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng trong những ngày vừa qua.
Trong khi đó, Israel vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng các khu định cư, phá hủy và đuổi người Palestine ra khỏi nơi cư trú của họ.
Theo ông Wennesland, những thách thức về tài chính cũng như chính trị khiến chính quyền Palestine khó có thể cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân một cách hiệu quả.
Hiện nay, người Palestine ở Gaza đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới kinh tế và đi lại do các quy định của phía Israel, quy định của phía Hamas - phong trào Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza - và nguy cơ bạo lực luôn hiện hữu.
Đặc phái viên Wennesland nhận định rằng chỉ khi những vấn đề gốc rễ được giải quyết thì vòng xoáy chu kỳ khủng hoảng bạo lực mới ngừng tiếp diễn.
Chính vì vậy, các bên liên quan cần tiếp tục có các cuộc đàm phán thực chất hơn.
Ông cũng cho rằng cần phải xây dựng chiến lược có tầm nhìn rộng hơn nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, công nhận giải pháp 2 nhà nước phù hợp với các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đó.
Thêm vào đó, các bên cần chấm dứt các bước đi đơn phương dẫn tới các hậu quả tiêu cực, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế của người Palestine, cải thiện điều kiện để họ đi lại thuận tiện dễ dàng ở khu vực Gaza và Bờ Tây, cũng như tăng cường năng lực thể chế cho chính quyền Palestine.