Đây là một nghi lễ độc đáo chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mà từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức của người Xơ Đăng, nhằm tạ ơn thần linh, cầu mong cho nguồn nước luôn dồi dào, dân làng mạnh khỏe, vật nuôi đầy đàn, mùa màng bội thu, bà con trong buôn luôn yêu thương nhau, đoàn kết và sẻ chia.
Già làng A Ngôm dân tộc Xơ Đăng ở buôn H’rinh, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi lập làng mới, sáng sớm, già làng cùng nam giới đại diện cho các gia đình trong buôn cầm dao, rựa vào rừng tìm nguồn nước.
Khi tìm được nguồn nước, già làng cho người chặt một cây lồ ô bắc ngang qua nguồn nước. Sau đó, ông bắt một con ốc đặt vào đầu bên trái của thanh lồ ô và khấn: "Hỡi thần núi, thần đất, thần sông! Cho phép tôi đánh dấu ở đây, để làng tôi được bắc máng nước. Nước về cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, dân làng khỏe mạnh. Xin các thần chứng kiến". Nếu con ốc bò sang bên phải là thần nước đồng ý cho dân làng sử dụng nguồn nước. Nếu con ốc không chịu bò qua, hoặc quay đầu lại, tức là thần nước không cho phép dùng. Lúc này, đoàn người lại tiếp tục tìm vị trí mới hoặc nguồn nước khác cho đến khi được thần nước cho phép.
Chọn được nguồn nước và xác định rõ vị trí đầu nguồn, dân làng cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ khu vực đó. Phụ nữ làm sạch cỏ hai bên đường và làm trụ đỡ máng nước. Trụ đỡ máng nước thường được làm bằng thân cây lồ ô hoặc cây le già, bảo đảm độ bền chắc để có thể sử dụng được lâu. Đàn ông chặt lồ ô làm máng dẫn nước. Ống lồ ô được chẻ đôi ra và bắc từ nguồn nước trên rừng đưa về tới buôn làng.
Trước khi bước vào nghi lễ chính thức, ở đầu nguồn và cuối nguồn nước, già làng cho dựng cột Gâng. Theo người Xơ Đăng, cột Gâng là tín hiệu xin nước của dân làng để thần nước và thần sấm sét biết, giúp đỡ dân làng có nguồn nước dồi dào, không bao giờ vơi cạn, mưa thuận gió hòa, không xảy ra hạn hán, lũ lụt.
Khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, lễ vật đã sẵn sàng, nghi lễ bắc máng nước chính thức được tiến hành. Lúc già làng chưa làm lễ cúng, dân làng phải bịt chặt nước trên nguồn, không được cho nước chảy vào ống dẫn. Các chàng trai thực hiện nhiệm vụ cắt lấy tiết con dúi đựng trong ống lồ ô.
Già làng cầm ống này đứng trước máng nước và khấn: "Hỡi thần sông, thần đất, thần núi. Hôm nay là ngày tốt. Hãy chứng kiến Lễ cúng máng nước của làng. Tôi xin dâng máu dúi cho các thần. Cầu thần nước cho nước luôn đầy đủ. Xin giữ nước luôn trong lành, để dân làng khỏe mạnh, mùa màng bội thu; cho con trâu, con bò đầy đàn, heo gà chật sân; cho cây cối tươi xanh...". Khấn xong, già làng khai thông cho nước chảy vào máng và cầm ống lồ ô tiết dúi từ từ đổ nơi đầu máng nước cho chảy xuôi về cuối máng nước của làng.
Người Xơ Đăng quan niệm, con dúi là vật hiến sinh bắt buộc, không thể thiếu trong nghi lễ bắc máng nước, thể hiện sự tinh khiết, đem lại may mắn, cầu mong lúa gạo luôn đầy kho, chuột không phá hoại mùa màng. Kết thúc nghi lễ, vợ của già làng là người lấy nước chia cho các gia đình mang về để uống, nấu cơm và đổ vào ghè rượu. Người đầu tiên được dùng nước để tắm giặt là già làng, sau đó mới đến những người khác. Nếu ai vi phạm quy định này sẽ bị phạt theo lệ làng.
Lễ bắc máng nước thành công là tín hiệu vui đối với dân làng, họ cùng nhau múa hát, uống rượu để ăn mừng. Lúc này, già làng sẽ dặn dò con cháu phải biết gìn giữ nguồn nước trong sạch, dồi dào để luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi lớn. Ở nhiều buôn làng đã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng đồng bào Xơ Đăng vẫn lưu giữ phong tục Lễ bắc máng nước nhằm giúp cộng đồng nâng cao ý thức về tầm quan trọng của nước trong đời sống hằng ngày, từ đó biết gìn giữ và bảo vệ nguồn nước, đồng thời nâng cao tinh thần cố kết cộng đồng.