Ngày 31/3, Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý I/2023 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, liên quan các vấn đề tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng (xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông tăng 29,6%, xử lý vi phạm về trật tự đô thị tăng 87,6% so với cùng thời gian liền kề), tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tính đến hết ngày 25/3, các đơn vị trên địa bàn đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, tăng 5.553 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó, phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng. Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, thành phố đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm, tăng 3.498 trường hợp so với cùng thời gian liền kề, phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng.
Tránh “bắt cóc bỏ đĩa”, vận động toàn dân cùng làm
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá cao các kết quả đạt được sau gần 1 tháng Hà Nội ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường.
Đồng chí nêu rõ, có thể nói thời gian vừa qua, công tác đầu tư cải tạo, chỉnh trang hè phố, quản lý lòng đường, vỉa hè đã được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo. Nhiều tuyến phố đã được đầu tư đồng bộ, thực hiện hạ ngầm, chỉnh trang vỉa hè, lòng đường…, góp phần tạo dựng đô thị văn mình, hiện đại, bảo đảm cảnh quan môi trường.
Nhấn mạnh vấn đề liên quan lòng đường, hè phố là rất quan trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng việc kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị là việc phải làm, nhưng cần thực hiện một cách căn cơ, lâu dài, bảo đảm công bằng, minh bạch để người dân biết, cùng làm và kiểm tra.
“Nếu cứ thỉnh thoảng lại phát động chiến dịch ra quân thì e rằng lại thành “bắt cóc bỏ đĩa”, dẫn đến gây lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực. Đây là việc cần phải làm nhưng phải bàn cách làm sao để thực hiện một cách căn cơ, bài bản và bền vững, để toàn dân cùng làm”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, có một thực tế đã diễn ra đó là tình trạng tái lấn chiếm, lợi dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, dừng đỗ phương tiện… đã tái diễn sau mỗi lần ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm. Vấn đề ở đây là chưa tìm hiểu được nguyên nhân sâu xa, căn cơ đằng sau là gì?
Nếu cứ thỉnh thoảng lại phát động chiến dịch ra quân thì e rằng lại thành “bắt cóc bỏ đĩa”, dẫn đến gây lãng phí thời gian, lãng phí nguồn lực. Đây là việc cần phải làm nhưng phải bàn cách làm sao để thực hiện một cách căn cơ, bài bản và bền vững, để toàn dân cùng làm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Khẳng định lòng đường, vỉa hè cũng có thể kinh doanh, gắn với sinh kế người dân và phần nào đó là kinh tế đô thị, Bí thư Thành ủy bày tỏ trăn trở trước vấn đề vừa phải bảo đảm nhu cầu sinh kế xứng đáng của người dân gắn với hè phố, vừa phải xác định đúng nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục.
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân sâu xa là thiếu quy hoạch về sử dụng lòng đường, vỉa hè đối với các đô thị hiện có, cũng như đối với cả những đô thị trong tương lai.
“Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai minh bạch, để xảy ra tình trạng cứ “tràn ra, tràn vào” sau mỗi đợt chúng ta ra quân chiến dịch”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cần thiết phải quy hoạch lại lòng đường, vỉa hè
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Về giải pháp trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy nêu rõ, trước mắt Thường trực Thành ủy thống nhất đề nghị UBND giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tham mưu cho Thành ủy ra chỉ thị về vấn đề lòng đường, vỉa hè.
Khẳng định vỉa hè là cho người đi bộ, song Bí thư Thành ủy cũng dẫn kinh nghiệm nước ngoài cũng cho phép kinh doanh một phần trên vỉa hè hoặc theo thời gian. Đồng chí đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu lập quy hoạch lòng đường, vỉa hè cho từng khu vực, từng tuyến phố.
“Cần thiết nhất là quy hoạch lại lòng đường, vỉa hè các tuyến phố theo tuyến, theo hướng giao thông, sau khi quy hoạch có thể cho thuê hè phố để kinh doanh, đặc biệt các khu vực công cộng có thể cho thuê trong ngay trước mắt để tránh lãng phí không gian, lãng phí mặt bằng”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Đồng chí nhấn mạnh, hiện cơ sở hạ tầng đang quá tải, nên nếu làm được quy hoạch đến từng tuyến phố, cùng các quận, huyện hoạch định công khai với nhân dân sẽ là điều rất tốt.
“Trước mắt sẽ thí điểm ở một số khu vực trong năm nay, tập trung vào các quận nội đô và lấy thêm ý kiến các sở ngành liên quan. Phải tính toán cho phù hợp và bảo đảm sự đồng thuận trong nhân dân, trên cơ sở đó mới đưa ra áp dụng”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đồng chí đề nghị Sở Giao thông vận tải rà soát lại các hướng tuyến để bố trí giao thông cho hợp lý. Các bãi đỗ xe tĩnh cần nghiên cứu để đầu tư nâng cấp, nâng tầng, cùng với đó cần tăng tiến độ đầu tư các bãi đỗ xe tiện tích và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
“Muốn đưa xe ra khỏi lòng đường thì phải có chỗ cho xe đỗ. Cần làm căn cơ việc này, nếu không khéo rất dễ xảy ra tiêu cực”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Ngoài ra, đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề xuất nghiên cứu lại các quy định của Trung ương, bộ, ban ngành sao cho phù hợp với đô thị đặc biệt như Hà Nội.
“Việc lập lại trật tự đô thị là việc phải làm, nhưng cách làm như thế nào là điều cần suy nghĩ. Có nhân dân đồng lòng sẽ thành công”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Trình bày về các giải pháp cụ thể thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao... để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố.
Sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đồng thời, UBND thành phố sẽ nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố như: bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn; các tuyến không thuộc tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm phục vụ công tác điều tiết, phân luồng giao thông…
Thành phố cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô-tô dừng, đỗ trên hè phố; sửa đổi Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 3/5/2018 của UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn, trong đó bổ sung quy định hè phố chỉ được phép sử dụng một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy, không sắp xếp ô-tô; không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện xe ô-tô.
Đối với Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa bảo đảm trật tự đô thị, vừa bảo đảm cuộc sống của người dân.
Các cơ quan chức năng thành phố nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn để bảo đảm công tác trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; tổ chức rà soát, báo cáo về các bến, bãi, điểm trông giữ phương tiện cả có phép và không phép trên địa bàn để quản lý, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.