Lao động dự tuyển EPS có thể chuyển đổi từ ngành sản xuất chế tạo sang ngành đóng tàu

NDO - Nếu có nguyện vọng, người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất chế tạo của chương trình EPS có thể đăng ký chuyển đổi công việc sang ngành đóng tàu.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi EPS-TOPIK ngày 18/5/2023 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Molisa)
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi EPS-TOPIK ngày 18/5/2023 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Molisa)

Theo thông báo của Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea), phía Hàn Quốc hiện đang thiếu hụt nhân lực trong ngành đóng tàu. Vì vậy, người lao động có hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc trong ngành sản xuất chế tạo theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS) nếu có nguyện vọng có thể đăng ký chuyển đổi công việc sang ngành này.

Người lao động có nguyện vọng chuyển sang ngành đóng tàu có thể lựa chọn 1 trong 5 ngành: Giàn giáo; bảo ôn nhiệt; mài; hàn; đường ống, máy, mộc, dây cáp điện và chỉ lựa chọn duy nhất một nghề trong các nghề nêu trên.

Cụ thể, đối tượng được đăng ký chuyển đổi là 1.752 người lao động đăng ký tìm việc trong ngành sản xuất chế tạo, hồ sơ đăng ký tìm việc còn hiệu lực; hiện chưa được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng. Số lượng tuyển chọn lao động chuyển đổi là 767 người.

Người lao động có nguyện vọng chuyển sang ngành đóng tàu có thể lựa chọn 1 trong 5 ngành: Giàn giáo; bảo ôn nhiệt; mài; hàn; đường ống, máy, mộc, dây cáp điện và chỉ lựa chọn duy nhất một nghề trong các nghề nêu trên.

Cần lưu ý, người lao động không có kinh nghiệm làm việc trong các nghề nêu trên vẫn có thể đăng ký. Nếu có nhiều hồ sơ đăng ký, lao động có kinh nghiệm trong ngành đóng tàu hoặc hàn xì trong ngành xây dựng sẽ được ưu tiên.

Nếu người lao động được chuyển sang ngành đóng tàu và được chủ sử dụng phía bạn lựa chọn, lao động đó sẽ được ưu tiên nhập cảnh Hàn Quốc. Việc đăng ký chuyển ngành nghề theo nguyện vọng không bảo đảm việc được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Thủ tục tuyển chọn, phái cử vẫn áp dụng như quy trình, quy định chung của chương trình EPS.

Tùy thuộc vào công việc cụ thể và căn cứ tình hình, nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng, người lao động có thể được đào tạo công việc liên quan đến ngành đóng tàu trong khoảng một tháng. Lương và chi phí đào tạo cho người lao động được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ theo quy định.

Người lao động phải làm việc tại nơi làm việc theo hợp đồng lao động. Trong trường hợp có lý do hợp lý thay đổi nơi làm việc, chỉ được thay đổi nơi làm việc trong ngành đóng tàu.

Thời hạn hiệu lực của hồ sơ đăng ký tìm việc đối với người lao động chuyển đổi sang ngành đóng tàu sẽ được áp dụng như hiện trạng hồ sơ đang giới thiệu trong ngành sản xuất chế tạo (không được gia hạn thời hạn hồ sơ).

Người lao động có nguyện vọng đề nghị điền đầy đủ thông tin vào đơn đăng ký theo mẫu và nộp cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp, chuyển Trung tâm Lao động ngoài nước trước ngày 6/6/2023.

Người lao động không có nguyện vọng chuyển đổi sang ngành đóng tàu sẽ tiếp tục được giới thiệu làm việc trong ngành đã đăng ký dự tuyển.

Trong năm 2023, Hàn Quốc cần hơn 12.000 lao động Việt Nam ở các ngành nghề là sản xuất chế tạo (6.344 người); ngành xây dựng (901 người); ngành nông nghiệp (841 người); ngành ngư nghiệp (4.035 người).

Từ ngày 28/5 đến 10/6, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp HRD Korea tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Hàn năm 2023 cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (EPS-TOPIK).

Đợt thi đã có 23.412 lao động đăng ký dự thi. Đứng đầu danh sách đăng ký là lao động trong ngành sản xuất chế tạo với 19.228 người. Tiếp đó là lao động trong ngành ngư nghiệp với 2.558 người; lao động trong ngành nông nghiệp với 1.283 người và 343 lao động trong ngành xây dựng.

Các thí sinh đến từ 36 tỉnh, thành phố của ba miền. Có 3 địa điểm thi được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Người lao động làm bài thi tiếng Hàn trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm. Điểm số tối thiểu đạt yêu cầu qua vòng 1 đối với ngành sản xuất chế tạo là 110 điểm, ngành xây dựng và ngành nông nghiệp là 80 điểm, ngành ngư nghiệp là 60 điểm trên thang điểm tối đa là 200 điểm.

Ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết, trong năm 2022, gần 9.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Theo kế hoạch được thống nhất giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, trong năm 2023, Hàn Quốc cần hơn 12.000 lao động ở các ngành nghề là sản xuất chế tạo (6.344 người); ngành xây dựng (901 người); ngành nông nghiệp (841 người); ngành ngư nghiệp (4.035 người).