Chiều 6/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan có buổi làm việc theo hình thức trực tuyến với Thứ trưởng Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc Joo Yoong - joon.
Tại cuộc họp, hai bên trao đổi về việc hợp tác thúc đẩy lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu nằm trong Chương trình hợp tác lao động kỹ thuật (E-7) giữa hai nước.
Hình ảnh tại cuộc họp trực tuyến (Ảnh: Molisa). |
Hai thứ trưởng đã chia sẻ và đánh giá cao những kết quả của các chương trình hợp tác giữa hai nước liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc.
Từ năm 2019, Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA) đã được ký kết. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã cung ứng gần 100 thợ hàn đóng tàu đi làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập và chế độ làm việc tốt.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ, phía Việt Nam đánh giá cao chủ trương, chính sách của Hàn Quốc trong việc mở rộng tiếp nhận lao động kỹ thuật nói chung và lao động ngành đóng tàu nói riêng. Đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ vấn đề thiếu hụt nhân lực tại Hàn Quốc và mở ra nhiều cơ hội cho lao động có tay nghề của Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc.
Cùng với đó, hiện nay, Việt Nam đang thiếu nhân lực có tay nghề để phát triển đất nước. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho người lao động có nguyện vọng được đi làm việc tại Hàn Quốc để nâng cao thu nhập, kỹ năng làm việc. Qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác đang ngày một phát triển sâu rộng giữa hai nước.
Từ năm 2019, theo Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA), gần 100 thợ hàn đóng tàu đã đi làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập và chế độ làm việc tốt.
Về phía Hàn Quốc, Thứ trưởng Joo Yoong - joon cho biết, công nghiệp đóng tàu là một trong những ngành công nghiệp rất quan trọng tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, Hàn Quốc đang rất thiếu nhân lực là kỹ sư, người lao động có trình độ, đặc biệt là đội ngũ thợ hàn trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu. Phía Hàn Quốc rất mong muốn có thể thuê được đội ngũ lao động Việt Nam và tin tưởng rằng những lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Hàn Quốc sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật của lĩnh vực đóng tàu và có thể chuyển giao được các kinh nghiệm đó về Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng làm việc.
Tiếp đó, trong khuôn khổ cuộc họp, hai bên đã thảo luận và tìm cách giải quyết vấn đề thủ tục hồ sơ nhập cảnh cho người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc trên quan điểm sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đã đáp ứng yêu cầu về trình độ tay nghề đi làm việc Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm các quyền lợi, lợi ích của người lao động và tuân thủ đúng quy định pháp luật của hai nước. Qua đó, giúp tránh trường hợp những tổ chức, cá nhân lợi dụng thu các khoản phí của người lao động trái với quy định của pháp luật.
Cuối cùng, hai Thứ trưởng thống nhất những quan điểm để hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh việc đưa lao động có tay nghề sang làm việc tại Hàn Quốc. Đồng thời, hai bên tăng cường phối hợp thông tin để quản lý và giám sát nhằm hạn chế các vấn đề phát sinh có liên quan đến người lao động tại Hàn Quốc gây ảnh hưởng không tốt đến chương trình. Hai bên sớm nghiên cứu và ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận lao động kỹ thuật ngành đóng tàu.
Hàn Quốc vẫn là một trong những thị trường tiếp nhận lao động quan trọng và được ưa chuộng với lao động nước ta. Trong 9 tháng đầu năm, có 1.668 lao động Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này.
Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, qua 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 103 nghìn người, trong đó có gần 37,3 nghìn lao động nữ. Con số này đã vượt khoảng 15% kế hoạch năm nay.
Trong số này, thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất là Nhật Bản: 51.859 lao động. Tiếp đó là Đài Loan (Trung Quốc): 44.584 lao động. Thị trường Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba trong tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng.
Trước đó, mục tiêu đặt ra với lĩnh vực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 là 90 nghìn người.
Qua 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 103 nghìn người, trong đó có gần 37,3 nghìn lao động nữ.
(Cục Quản lý lao động ngoài nước)