Gần 24 nghìn lao động đăng ký thi tiếng Hàn theo chương trình EPS

NDO - Đến nay, có gần 24 nghìn người đăng ký dự kỳ thi tiếng Hàn cho người lao động có nguyện vọng dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS của năm 2023. Kỳ thi sẽ bắt đầu từ ngày 8/5 đến 10/6 tại Hà Nội và Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Ảnh: Colab)
Lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (Ảnh: Colab)

Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, đơn vị này đã phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận đơn đăng ký dự kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề cho người lao động dự tuyển chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS).

Kết quả cho thấy, có 23.412 lao động đăng ký dự thi. Trong số này, đứng đầu danh sách đăng ký là lao động trong ngành sản xuất chế tạo với 19.228 người. Tiếp đó là lao động trong ngành ngư nghiệp với 2.558 người; lao động trong ngành nông nghiệp với 1.283 người và 343 lao động trong ngành xây dựng.

Người lao động làm bài thi tiếng Hàn trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm. Điểm số tối thiểu đạt yêu cầu qua vòng 1 đối với ngành sản xuất chế tạo là 110 điểm, ngành xây dựng và ngành nông nghiệp là 80 điểm, ngành ngư nghiệp là 60 điểm trên thang điểm tối đa là 200 điểm.

Số lượng tuyển chọn lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình EPS năm 2023 là hơn 12 nghìn người.

Số ứng viên đạt yêu cầu về tiếng Hàn, được chọn tham dự kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực của các ngành được lựa chọn với số lượng bằng 110% chỉ tiêu của từng ngành được phân bổ theo tiêu chí lấy theo điểm số từ cao xuống.

Số lượng tuyển chọn lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình EPS năm 2023 là hơn 12 nghìn người.

Cụ thể, có 4 ngành, nghề tuyển chọn với chỉ tiêu chi tiết. Đó là các ngành: sản xuất chế tạo (6.344 người), ngành xây dựng (901 người), nông nghiệp (841 người), ngư nghiệp (4.035 người).

Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ giám sát chặt chẽ người lao động làm thủ tục dự thi như đối chiếu, nhận diện lao động với thẻ đăng ký dự thi và các giấy tờ tùy thân. Đối với các đối tượng nghi vấn thi hộ: kiểm tra, đối chiếu với đặc điểm nhận dạng, dấu vân tay trên thẻ căn cước hoặc giấy chứng minh nhân dân; kiểm tra thông tin nhân thân, quá trình đăng ký dự thi của lao động để đối chiếu.

Đơn vị tổ chức áp dụng phần mềm tổng hợp dữ liệu tích hợp với máy quét vân tay. Theo đó phần mềm sẽ chụp ảnh, lấy dấu vân tay của người lao động dự thi. Dấu vân tay của người lao động sẽ được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu và sẽ được sử dụng kiểm tra, nhận dạng người lao động tại các vòng thủ tục tiếp theo như: kiểm tra tay nghề; tham dự khóa đào tạo định hướng và xuất cảnh. Người lao động không có thông tin nhận dạng trùng khớp sẽ bị dừng làm thủ tục hoặc bị dừng chương trình.

Người lao động bị phát hiện có các hành vi tiêu cực sẽ bị lập biên bản và cấm tham gia chương trình trong 4 năm.

Để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, môi giới lừa đảo (nếu có), Trung tâm Lao động ngoài yêu cầu người lao động chấp hành nghiêm túc quy định của chương trình, các quy chế của kỳ thi, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ tiếng Hàn để đạt kết quả tốt nhất.

Các hành vi như hứa hẹn nhắc bài trong phòng thi, “bao đỗ” qua kỳ thi là hành vi lừa đảo. Nếu phát hiện đề nghị thông tin cho Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Kỳ thi sẽ diễn ra tại hai thành phố Hà Nội và Đà Nẵng.

Thời gian dự thi tại Hà Nội từ ngày 8/5 đến ngày 10/6/2023 tại cơ sở đào tạo Trung tâm Lao động ngoài nước (trong khuôn viên Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA, thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội). Còn tại Đà Nẵng là từ ngày 9/5 đến ngày 10/6/2023 tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (470 Trần Đại Nghĩa, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Người lao động làm bài thi tiếng Hàn trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm. HRD Korea là cơ quan ra đề thi, việc chấm thi được tiến hành tự động trên phần mềm máy tính.

Người lao động dự thi cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chấp hành nghiêm các khuyến cáo của cơ quan y tế về việc phòng, chống dịch.

Trường hợp có kết quả dương tính với Covid-19 đề nghị người lao động thông báo cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố và không đến dự thi.