Lao động diện chính sách của chương trình EPS được vay tới 100 triệu đồng để ký quỹ

NDO - Từ ngày 1/6, lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS được vay vốn tối đa tới 100 triệu đồng để ký quỹ. Thời gian vay không quá 5 năm 4 tháng.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. (Ảnh: Colab)
Lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. (Ảnh: Colab)

Được vay tới 100 triệu đồng để ký quỹ nhưng không quá 5 năm 4 tháng

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-TTg về thực hiện hỗ trợ cho vay để ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (sau đây gọi là chương trình EPS)

Theo đó, người lao động thuộc đối tượng chính sách được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là người lao động) có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Người lao động thuộc đối tượng chính sách được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi đăng ký thường trú.
Mức tối đa bằng mức tiền ký quỹ được thỏa thuận giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và không vượt quá 100 triệu đồng.

Để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động cần đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, thuộc đối tượng chính sách được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định hiện hành.

Thứ hai, đã ký hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Thứ ba, có đăng ký thường trú trên địa bàn nơi Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết thủ tục cho người lao động vay vốn.

Người lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi đăng ký thường trú. Mức tối đa bằng mức tiền ký quỹ được thỏa thuận giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và không vượt quá 100 triệu đồng.

Thời hạn cho vay do người lao động và Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận phù hợp quy định của đơn vị này và thời hạn ký quỹ ghi trên hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS của người được vay vốn. Tuy nhiên, thời gian vay tối đa không quá 5 năm 4 tháng.

Lãi suất cho vay áp dụng theo mức lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp từng đối tượng.

Người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ được hưởng mức lãi suất tiền gửi ký quỹ bằng mức lãi suất cho vay để ký quỹ.

Thủ tục vay vốn nhanh gọn cho người lao động

Văn bản này cũng nêu rõ, người lao động vay vốn theo Quyết định này không phải áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay.

Nguồn vốn vay từ nguồn vốn huy động theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chương trình EPS đã được triển khai ở nước ta từ năm 2004 đến nay. Tính đến tháng 7/2022, có hơn 110 nghìn lượt lao động nước ta đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú xác nhận về đối tượng thụ hưởng trên giấy đề nghị vay vốn quy định tại Quyết định này.

Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phê duyệt cho vay theo quy định.

Thỏa thuận ký hợp đồng ký quỹ phải bảo đảm phù hợp với nội dung hợp đồng tín dụng về việc trả nợ gốc và lãi suất tiền vay. Nội dung ghi trên Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS của người lao động và quy định của pháp luật có liên quan.

Khi hết hạn hợp đồng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện thu hồi nợ và tất toán tài khoản ký quỹ theo thỏa thuận trên hợp đồng tín dụng.

Trường hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng ký quỹ, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ của người lao động được xử lý theo trình tự: hoàn trả khoản vay (gồm cả gốc và lãi) của người lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ. Số tiền còn lại (nếu có) được xử lý theo quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và pháp luật khác có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2023.

Chương trình EPS đã được triển khai ở nước ta từ năm 2004 đến nay. Tính đến tháng 7/2022, có hơn 110 nghìn lượt lao động nước ta đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.

Chỉ riêng trong năm 2022, đã có hơn 8.900 lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Trong năm 2023, Hàn Quốc thông báo tuyển chọn hơn 12 nghìn lao động nước ta đi làm việc theo chương trình này. Chỉ tiêu tuyển chọn dành cho 4 ngành, nghề cụ thể. Đó là: sản xuất chế tạo (6.344 người), xây dựng (901 người), nông nghiệp (841 người), ngư nghiệp (4.035 người).