Thu hút nhiều lao động Việt Nam
Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều người lao động Việt Nam với mức lương cao, chi phí xuất cảnh thấp và môi trường làm việc khá tốt. Hiện có gần 50 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Thứ nhất, đi theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (chương trình EPS). Đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay, có hơn 100 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện có gần 28 nghìn lao động đang làm việc (visa E9) tại Hàn Quốc theo chương trình này.
Người lao động theo chương trình này có mức thu nhập bình quân từ 1.500-2.000 USD/ tháng. Họ cũng được hưởng quyền lợi và các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định dành cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc và theo Hiệp định song phương giữa hai nước về bảo hiểm xã hội đã được ký vào tháng 12/2021.
Thứ hai là lao động kỹ thuật (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc, hoặc thông qua các hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc. Bên cạnh đó, người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7.
Những lao động này cư trú và làm việc dài hạn tại Hàn Quốc (hơn 5 năm) với mức lương từ 2.000-2.500 USD/ tháng. Hiện có khoảng 3.500 lao động kỹ thuật đang làm việc tại Hàn Quốc, chủ yếu trong các lĩnh vực: điện tử, công nghệ thông tin, hàn, cơ khí, vận hành máy.
Thứ ba là người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10 nghìn thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Mức lương của họ trên các tàu đánh cá xa bờ từ 450-550 USD/tháng và tàu cá gần bờ là 1.400 USD/tháng.
Tiếp tục đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc
Đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, từ năm 2018, đã thực hiện thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.
Chương trình đã tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác, thu hoạch, bảo quản và phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Hiện có 9 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau và Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc. Qua đó, đưa gần 1.000 lao động sang làm việc theo hình thức này. 17 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của phía bạn.
Mới đây, ngày 27/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Thời hạn thực hiện trong 5 năm, từ ngày 1/1/2022.
Sau khi thống nhất với các bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc tổ chức triển khai Nghị quyết với một số nội dung cụ thể.
Theo đó, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trao đổi và ký kết Thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (sau đây gọi là Thỏa thuận).
Ký kết Thỏa thuận cần bảo đảm nội dung về quyền lợi và chế độ của người lao động theo quy định pháp luật của Việt Nam và Hàn Quốc. Xác định rõ và giao nhiệm vụ cho cơ quan của địa phương tổ chức thực hiện Thỏa thuận.
Thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật Hàn Quốc.
Thỏa thuận cũng cần có một số nội dung chính. Cụ thể như: Mục đích và phạm vi hợp tác đưa lao động đi làm việc thời vụ (thí dụ: lĩnh vực nông nghiệp hoặc ngư nghiệp...; Tên cơ quan thực hiện Thỏa thuận của Việt Nam và cơ quan thực hiện Thỏa thuận của Hàn Quốc; Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, chế độ với người lao động. Các chi phí liên quan đến người lao động như phí đào tạo tiếng Hàn, giáo dục định hướng, phí giao thông, hộ chiếu và thị thực nhập cảnh Hàn Quốc… quy định cụ thể trong Thỏa thuận.
Bên cạnh đó, cần ghi rõ trách nhiệm của các bên: quản lý lao động, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động, tranh chấp lao động, các vấn đề liên quan đến thiên tai, dịch bệnh; thời hạn.
Cơ quan thực hiện Thỏa thuận phải tổ chức tuyển chọn trực tiếp, đúng đối tượng lao động sinh sống lâu dài tại địa phương, đang làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp... đáp ứng các yêu cầu của người sử dụng lao động trong Thỏa thuận ký kết.
Đặc biệt, ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc đối tượng chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương.
Hằng năm, phía Hàn Quốc sẽ xem xét dừng việc tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ của địa phương nước ngoài nếu năm trước đó có tỷ lệ lao động thời vụ bỏ hợp đồng cao hơn 10%. Ngoài ra, sẽ xem xét dừng tiếp nhận lao động từ quốc gia có tổng tỷ lệ lao động thời vụ bỏ hợp đồng vượt quá 50%.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động, người dân về các quy định người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, không vi phạm hợp đồng, pháp luật xuất nhập cảnh trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và hợp tác giữa hai địa phương.
Có cơ chế theo dõi, quản lý chặt chẽ quá trình công dân Việt Nam lao động ở Hàn Quốc, không để xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Phối hợp địa phương của Hàn Quốc giải quyết kịp thời các phát sinh. Hai địa phương có trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc quản lý, hỗ trợ và bảo vệ người lao động thời vụ.