Dấu hiệu tích cực với thị trường lao động ngoài nước

Từ đầu năm đến nay, gần 7.400 lao động Việt Nam đã sang làm việc tại Hàn Quốc, ghi nhận mức tăng cao nhất tại thị trường này trong 5 năm trở lại đây. Đây là một dấu hiệu tích cực từ thị trường lao động trọng điểm này.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: Colab)
Lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. (Ảnh: Colab)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 12/12, Việt Nam đã phái cử 7.376 lao động sang Hàn Quốc. Còn tính đến hết tháng 9/2022, tại Hàn Quốc có 28.674 người lao động Việt Nam đang làm việc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS) trên tổng số hơn 40.000 lao động nước ta tại Hàn Quốc.

Dấu hiệu tích cực với thị trường lao động ngoài nước ảnh 1

Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Thống kê từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2022 cũng là thời điểm số lao động sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Điều này thể hiện dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường này.

Tính đến ngày 12/12, Việt Nam đã phái cử 7.376 lao động sang Hàn Quốc. Năm 2022 cũng là thời điểm số lao động sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Ngoài ra, trong năm 2022, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình EPS của Hàn Quốc là 59.000 người, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021. Vì vậy, người lao động Việt Nam cũng có thêm cơ hội việc làm ở thị trường có thu nhập cao và được ưa chuộng này.

Nhìn chung trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, số lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc đã giảm xuống mức rất thấp vào năm 2020 và 2021, lần lượt là 1.309 và 1.036 người. Nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế-xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Hàn Quốc.

Là một trong những thị trường lao động trọng điểm của nước ta, hiện có gần 50 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia này trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Trước hết là lao động đi làm việc theo chương trình EPS. Đây là kênh phái cử lao động chủ yếu sang Hàn Quốc. Từ năm 2004 đến nay, có hơn 100 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Hiện có hơn 28 nghìn lao động đang làm việc theo visa E9 theo chương trình này.

Tiếp đó là lao động kỹ thuật (visa E7) đi làm việc theo hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với doanh nghiệp Hàn Quốc, hoặc thông qua các hợp đồng cung ứng lao động ký giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Hàn Quốc. Người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS cũng có thể thi để chuyển đổi sang lao động kỹ thuật với visa E7.

Bên cạnh đó là chương trình người lao động đi làm thuyền viên trên các tàu đánh cá gần bờ và tàu cá xa bờ theo các hợp đồng cung ứng thuyền viên ký giữa doanh nghiệp Việt Nam và các chủ tàu Hàn Quốc. Hiện có gần 10 nghìn thuyền viên Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

Gần đây, Việt Nam và Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác thúc đẩy lao động trong lĩnh vực đóng tàu nằm trong Chương trình hợp tác lao động kỹ thuật (visa E7) giữa hai nước.

Cụ thể, từ năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã cung ứng gần 100 thợ hàn đóng tàu đi làm việc tại Hàn Quốc với thu nhập và chế độ làm việc tốt.

Trong sự tăng trưởng của lao động Việt Nam ở thị trường Hàn Quốc năm qua, cũng cần ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, từ ngày 21/2/2022, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ khi đóng góp Quỹ đầy đủ. Doanh nghiệp được hỗ trợ 1 lần trong 1 năm cho từng thị trường quy định trong Quyết định này.

Doanh nghiệp tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 1 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế.

Quỹ cũng hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật và thông tin thị trường lao động ngoài nước với các nội dung cụ thể.

Một tín hiệu khả quan nữa là tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay đã giảm xuống còn dưới 30%. Con số này đã giảm rõ rệt so với tỷ lệ 50% vào năm 2016.

Để giảm và phòng, tránh lao động cư trú bất hợp pháp, Bộ Tư pháp cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đang tiến hành rà soát, kiểm tra các công ty có nhân lực nước ngoài. Đồng thời, nước này cung cấp các chương trình đào tạo nghề, đào tạo tiếng Hàn, khóa khởi nghiệp, giới thiệu việc làm để lao động Việt Nam sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập khi về nước.

Tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay đã giảm xuống còn dưới 30%. Con số này đã giảm rõ rệt so với tỷ lệ 50% vào năm 2016.

Tại Việt Nam, các cơ quan của ngành lao động-thương binh và xã hội đã phối hợp Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tại Việt Nam nỗ lực tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm kết nối lao động đi làm việc ở Hàn Quốc về nước. Đây là cơ hội để người lao động hồi hương có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với kinh nghiệm và trình độ tay nghề của mình, nhất là tại các công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm cả lao động sang thị trường Hàn Quốc, có tham gia Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, sẽ được hưởng một số chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg.

Cụ thể, có 6 nội dung hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg. Trong đó, có hỗ trợ người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động…