Lạng Sơn phòng trừ sâu bọ hại cây hồi

NDO - Ngày 18/5, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Văn Lợi cho biết: Từ tháng 3/2023 đến nay, nhiều rừng hồi ở các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện sâu của bọ ánh kim và bệnh thán thư hại hồi, với tổng diện tích nhiễm 188ha, trong đó, diện tích nhiễm nặng 25ha...
0:00 / 0:00
0:00
Người dân ở xã Tân Đoàn, Văn Quan, Lạng Sơn, kiểm tra, diệt trừ sâu bọ hại cây hồi.
Người dân ở xã Tân Đoàn, Văn Quan, Lạng Sơn, kiểm tra, diệt trừ sâu bọ hại cây hồi.

Để diệt trừ sâu bọ hại cây hồi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố cử cán bộ tăng cường nắm bắt thông tin sâu bệnh hại, có biện pháp phòng trừ, đặc biệt là khoanh vùng những nơi bị nhiễm nặng. Chi cục cũng ban hành quy trình phòng trừ sâu, bọ ánh kim, bệnh thán thư, trong đó, nêu các giải pháp cụ thể phòng trừ bằng biện pháp sinh học, hóa học.

Bên cạnh sự chủ động của cơ quan chuyên môn, người dân có rừng hồi cũng áp dụng các biện pháp phòng trừ như: đi thăm rừng thường xuyên, sử dụng biện pháp thủ công và sinh học diệt trừ sâu bệnh, không để gia tăng trên diện rộng…

Anh Nông Văn Bộ, thôn Pò Xè, Tân Đoàn, Văn Quan, chia sẻ: Từ giữa tháng 3/2023, tôi phát hiện trên một số cây hồi của gia đình xuất hiện sâu của bọ ánh kim, tôi đã báo cáo chính quyền xã và được hướng dẫn cách phòng trừ. Do phát hiện sâu sớm cho nên tôi đã huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình thực hiện bằng cách thủ công là thấy trên lá cây có ổ trứng hoặc sâu non, liền ngắt và tiêu hủy ngay, đồng thời, phun thêm thuốc bảo vệ thực vật nhằm phòng trừ sâu bệnh không để lan rộng.

Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan, cho biết: Qua theo dõi định kỳ, thời gian vừa qua trên địa bàn các xã Tân Đoàn, Tràng Phái, Khánh Khê, An Sơn… có xuất hiện sâu non của bọ ánh kim gây hại, mật độ 5-10 con/cây; bệnh đốm lá (thán thư) gây hại tỷ lệ 4%-6%/lá.

Vì vậy, chúng tôi đã cử cán bộ theo dõi chặt chẽ, chủ động ban hành các văn bản phối hợp Ủy ban nhân dân các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh rừng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, bắt bọ ánh kim và trứng để hạn chế trứng nở thành sâu non gây hại. Nhờ dự báo tốt tình hình, mức độ sâu, bệnh gây hại, đến nay, các diện tích nhiễm dần được phòng trừ và không để bùng phát trên diện rộng.