Dịch bệnh lan nhanh, nông dân thiệt hại lớn
Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa khoảng 73 nghìn ha, lớn nhất cả nước. Tháng 7-2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đối tượng sâu mới (đầu màu đen nên nông dân hay gọi là sâu đầu đen) gây hại trên dừa với diện tích nhiễm 2,4 ha tại ấp Giồng Tre (xã Phú Long, huyện Bình Đại).
Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tích cực thực hiện các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa như: phun thuốc sinh học, tỉa lá và tiêu hủy lá bị sâu gây gại... Đồng thời, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với Trung tâm BVTV phía Nam lấy mẫu sâu gây hại và gửi mẫu định danh.
Trung tâm Giám định kiểm định thực vật – Cục BVTV đã xác định là loại sâu có tên khoa học Opisina arenosella Walker. Đây là loài sâu hại nghiêm trọng có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka.
Tuy nhiên, sau đó loài sinh vật mới gây hại vườn dừa đã lan sang các địa phương khác như: huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre Tổng diện tích nhiễm 393,41 ha. Trong đó diện tích nhiễm nhẹ 130,95 ha, nhiễm trung bình 130,61 ha và nhiễm nặng 131,85 ha. Tỉnh Tiền Giang giáp ranh cũng bắt đầu ghi nhận loài sâu này phá hoại.
Khi sâu đầu đen tấn công, nhiều nhà vườn buộc phải đốn bỏ vườn dừa vì cây bị cháy lá, suy kiệt rồi chết dần dần. Ông Đặng Công Giảng, ngụ ấp Hữu Nhơn (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) đã đốn bỏ 6 công (một công 1.000 m2) vườn dừa với số lượng hơn 130 cây.
Ông Giảng cho biết: “Gần như toàn bộ diện tích dừa trong vườn của gia đình phải đốn hạ vì sâu đầu đen tấn công. Vườn dừa cao hơn 10 năm tuổi bị cưa gốc, bán giá chỉ 200 nghìn đồng/cây để làm cừ chống sạt lở hay cột cất nhà. Hiện tại, gia đình đang ươm dừa giống để tiếp tục trồng lại. Thiệt hại do sâu đầu đen gây ra là rất lớn vì gia đình phải bỏ công hàng chục năm mới có vườn vừa cho quả và cho thu nhập ổn định hàng tháng”.
Một số hộ dân khác giữ lại vườn dừa thì phải tốn chi phí khá lớn để phun, xịt thuốc. Ông Thái Chương, canh tác 2 công vườn dừa tại xã Hữu Định cho biết: “Trung bình khoảng 10 ngày là tôi phải xít thuốc một lần để tiêu diệt sâu đầu đen với chi phí khoảng 600 nghìn đồng/lần. Loài sâu này ăn lá gây hại làm cây chết rất nhanh nên nhiều nhà vườn không kịp trở tay. Để xịt thuốc hiệu quả người dân phải dùng máy công suất lớn và phun từ dưới lên vì sâu làm kén ở phía dưới lá. Nếu xịt phía trên hầu như không hiệu quả, sâu không chết mà tiếp tục phát triển để cắn phá lá dừa, lây lan sang các vườn xung quanh. Trong khi đó, hầu hết sâu đầu đen đều tấn công vườn dừa từ 10 đến 40 năm tuổi, cây khá cao nên rất khó khăn cho việc phun thuốc. Vì vậy, người dân đang tập trung bảo vệ những vườn dừa tơ, những cây dừa già bị tấn công không phun thuốc được đành phải đốn bỏ”.
Tỉnh Tiền Giang có khoảng 19.500 ha dừa. Trong đó, nông dân trồng tập trung tại huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, TP Mỹ Tho. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cây dừa bị nhiều loại sâu gây hại, trong đó, bọ cánh cứng hại dừa khoảng 420 ha, tỷ lệ nhiễm 5-7%; bọ vòi voi 253 ha, tỷ lệ nhiễm 3-5%; sâu đầu đen gây hại 5 ha, tỷ lệ 20%.
Ông Nguyễn Văn Định, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) trồng 0,4 ha dừa Mã Lai hơn 4 năm tuổi. Hiện nay, dừa đang cho trái sai. Ông Định cho biết: “Điều lo lắng của nông dân trồng dừa là bọ cánh cứng xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù, mỗi tháng, gia đình phun thuốc hai lần để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, bọ cánh cứng vẫn tấn công và nhiều cây đang chết dần”.
Dùng giải pháp sinh học để cứu vườn dừa
Trong thời gia qua, Trường Đại học Nông Lâm (TP Hồ Chí Minh) và Trường Đại học Cần Thơ đã nhiều lần xuống phun thuốc sinh học, lấy mẫu nghiên cứu, thả ong ký sinh để giảm mật độ sâu đầu đen gây hại. Tại xã Phú Long (huyện Bình Đại), nơi phát sinh dịch sâu đầu đen đầu tiên tại địa bàn tỉnh Bến Tre đã cơ bản được khống chế.
Chủ tịch UBND xã Phú Long Nguyễn Thành Trí cho biết: “Ban đầu diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công chỉ 2,4 ha, sau đó lan rộng ra gần 50 ha trên tổng số gần 1.000 ha dừa của toàn xã. Ngay sau đó, ngành nông nghiệp phối hợp với địa phương tổ chức phun thuốc sinh học, tổ chức tập huấn cho dân cách phòng trừ nên đến nay đã cơ bản khống chế được dịch. Những vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công trước đây giờ đã phục hồi lại và ra lá non nên thiệt hại rất ít”.
Đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức 10 cuộc tập huấn triển khai “biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen” đến cán bộ địa phương và nông dân trồng dừa tại Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm.
Ngoài ra, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn nông dân trồng dừa nhận biết và biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa.
Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam cho biết, đến nay tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM thiết lập một phòng nhân nuôi ong ký sinh tại Chi cục Trồng trọt và BVTV và mở rộng một phòng tại Trung Tâm Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao để vừa nghiên cứu vừa phóng thích nhanh đối với các loài ong có khả năng ký sinh tốt trên nhộng và ấu trùng sâu đầu đen.
Trường Đại học Cần Thơ cũng đã nghiên cứu thử nghiệm một chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ thực vật. Bước đầu thử nghiệm trên một số diện tích đạt hiệu quả. Đơn vị đang tiếp tục thử nghiệm để hoàn thiện quy trình, sản phẩm. Nếu đạt hiệu quả cao sẽ đưa vào quy trình để khuyến cáo người dân sử dụng.
Phó giám đốc sở NN&PTNTtỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: “Ngành nông nghiệp có chủ trương phòng trừ sâu với phương châm là bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng sản xuất dừa hữu cơ do các Doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng thành công. Tập trung dập dịch nhưng phải đảm bảo môi trường sản xuất ổn định và đặc biệt là bảo vệ sức người dân, vật nuôi sinh sống dưới tán dừa. Đồng thời, tranh thủ nguồn lực của cộng đồng và xã hội hóa nguồn lực để đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ cho công tác quản lý dịch hại. Về lâu dài, quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ dừa đạt chất lượng về an toàn thực phẩm”.
Bà Võ Thị Kim Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tập huấn, tuyên truyền về cách phòng trừ bọ cánh cứng gây hại trên cây dừa. Nhiều mô hình thí điểm trong phòng trừ sâu hại được triển khai và hiệu quả mang lại khá cao. Hiện, ngành cũng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về cách nhân nuôi ong ký sinh nhằm tạo quần thể ngày càng nhiều ở ngoài tự nhiên. Từ đó, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ bọ cánh cứng vì hiệu quả không cao. Hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt…