Lắng nghe nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc

NDO - Sau gần 20 năm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Bắc, nhìn chung tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi các tỉnh cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không xảy ra các vụ việc nổi cộm mang tính chất nghiêm trọng. Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn chủ tịch chủ trì hội nghị.
Đoàn chủ tịch chủ trì hội nghị.

Ngày 14/9, tại trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2023.

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Ủy ban Dân tộc Chính phủ; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành của Trung ương, cùng 64 đại biểu người dân tộc thiểu số, đại diện hơn 7 triệu người của 30 dân tộc tại 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Sau gần 20 năm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Bắc, nhìn chung tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi các tỉnh cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không xảy ra các vụ việc nổi cộm mang tính chất nghiêm trọng.

Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Các chương trình, dự án phát huy hiệu quả, các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống được chú trọng.

Đồng bào trong vùng tích cực thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

 Lắng nghe nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc ảnh 1

Các đại biểu dân tộc thiểu số dự hội nghị.

Tại hội nghị, có 14 ý kiến của đại biểu đã tập trung nguyện vọng, kiến nghị với Đảng, Chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục phối hợp lồng ghép các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững. Coi đây là giải pháp mang tính đột phá, để phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Bộ.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái; khôi phục một số tập quán tốt của đồng bào đi đôi với giải quyết việc làm tại chỗ, bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản của người dân về tiếp cận y tế, giáo dục, thông tin... nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.

Nhà nước cần thực hiện tốt hơn việc triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện, giao thông, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ; làm tốt công tác quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững; có chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch, giữ gìn và tôn trọng yếu tố văn hóa vùng.

 Lắng nghe nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc ảnh 2

Các đại biểu tỉnh Yên Bái tham gia chụp ảnh Đoàn chủ tịch hội nghị.

Đồng thời, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số; làm tốt việc phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, chú trọng xây dựng hương ước, quy ước, phát huy hiệu quả đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định, đây là hội nghị rất ý nghĩa, hội tụ các ý kiến quý báu của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, đồng bào tranh thủ thời cơ thuận lợi để phát triển, nhưng so với mặt bằng chung thì vùng Tây Bắc vẫn là vùng "lõi nghèo" của cả nước.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đầu tư đường cao tốc từ Hà Nội đi: Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Mộc Châu (Sơn La)... Các cây cầu bắc qua sông lớn được xây dựng mới, đường thôn, bản nhiều nơi đã được bê-tông hóa. Cơ bản các hộ dân vùng cao đã được sử dụng điện lưới, thay cho việc dùng đèn dầu hỏa ngày trước.

Có một trung tâm đào tạo đại học tại Thái Nguyên, một số tỉnh có trường đại học, bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là ở các vùng chiến khu cách mạng.

Chương trình mục tiêu dành cho vùng dân tộc thiểu số đạt khoảng 50 nghìn tỷ đồng với 10 dự án, nếu hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu của đồng bào về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt .

Đồng chí Đỗ Văn Chiến mong muốn, các đại biểu về địa phương tiếp tục phát huy tinh thần "tự hào, tự tin, tự lực" của dân tộc mình để vươn lên. Phát huy nội lực, giữ biên giới, giữ đất, giữ rừng, giữ hồn cốt của đồng bào dân tộc thiểu số. Dù khó khăn đến đâu cũng phải vận động cho con cháu mình đi học, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống.

Các ý kiến của đại biểu sẽ được chuyển đến các ban, bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.