Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, ở phía Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên gần 10.000km2, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao chiếm 54,93% dân số toàn tỉnh. Kon Tum có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 7 dân tộc thiểu số tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm.
Qua hơn 2 năm triển khai, cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện Cuộc vận động với quyết tâm chính trị cao nhất và đã có những kết quả đáng khích lệ: Một bộ phận người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Đến nay, đã có trên 50% số hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước; gần 50% số hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình. Các cấp, ngành đã xây dựng được 565 mô hình để hỗ trợ 12.713 hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững với tổng số vốn huy động trên 37 tỷ đồng...
Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu; diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, nhiều vùng dân tộc thiểu số, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước; các hủ tục, tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ, trở thành nếp sống trong sinh hoạt hằng ngày của người dân; số ít vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của trên; chi tiêu, tích lũy của cải chưa hợp lý; ngại đổi mới, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chưa có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo...
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đã biết ứng dụng nhà màng vào trồng dược liệu. |
Hội thảo nhằm đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm thi của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh Kon Tum đi vào thực chất hơn, trở thành một phong trào cách mạng có sức lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị của tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hòa bày tỏ sự tin tưởng Hội thảo sẽ góp phần đúc kết lý luận và thực tiễn; gợi mở, đề xuất các kinh nghiệm hay, giải pháp phù hợp; lan tỏa được cách làm hay, mô hình tốt qua đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp hữu hiệu trong việc triển khai Cuộc vận động vào thời gian tới.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, của những nhà khoa học nhằm tìm ra những giải pháp mang tính khả thi để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Kon Tum, góp phần vào việc giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum "thay đổi nếp nghĩ, cách làm", vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển và hội nhập sâu rộng hơn.