Trước đại dịch Covid-19, có thể nói là thời hoàng kim của nghề nuôi cá tra, cá basa ở Đa Phước nói riêng và các làng bè Nam Bộ nói chung, khi xuất khẩu cá tra của cả nước lần đầu tiên vượt mốc 2 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt mức 250 triệu USD. Làng bè Đa Phước xuất hiện nhiều tỷ phú giàu lên nhờ nuôi cá tra, cá ba sa. Nhà ít thì một hoặc hai bè, có nhà nhiều lên đến gần chục bè cá.
Mỗi chiếc bè có bề ngang 4m, dài 7-8m, để sinh sống lâu dài trên bè, người ta thường ghép hai, ba chiếc bè lại với nhau, có diện tích từ 60 đến 100m2. Bên dưới được bọc bằng lưới kẽm hoặc cây đóng thưa. Phía trên bè người dân cất nhà để ở, phần dưới là lồng nuôi cá.
Cuộc sống người dân trên làng bè đã trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối. Ông Huỳnh Văn Hớn, một người dân nuôi cá bè năm nay đã ngoài 70 tuổi chia sẻ: “Từ thời ba tôi đã định cư ở đây rồi. Giờ đến lượt tôi và con cháu lại tiếp tục nghề này”.
Ông Lý Minh Tài, 57 tuổi, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi cá lồng bè. (Ảnh: Đinh Quang Hưng) |
Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay, tình hình xuất khẩu cá tra, cá ba sa không ổn định do nhiều nguyên nhân như đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và khủng hoảng kinh tế thế giới, tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu và người nuôi cá nói chung, người dân làng bè Đa Phước nói riêng. Từ chỗ có hơn 300 bè cá các loại, đến nay số bè cá của làng bè Đa Phước chỉ còn khoảng trên dưới 160 bè, giảm gần một nửa.
Khi con cá ba sa, cá tra không còn được thị trường ưa chuộng, người nuôi cá bè Đa Phước nhạy bén, chuyển sang nuôi các loại cá thịt như: cá bông, cá he, cá mè dinh, cá mú, cá chim… để cung cấp cho thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhờ giá cả các loại cá thịt ngày càng tăng cho nên những người nuôi cá bè ở Châu Đốc ăn nên làm ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình có cuộc sống khá giả. Tùy vào số lượng bè cá, những gia đình có nhiều bè sẽ có nguồn thu lớn hơn.
Bên cạnh đó, người nuôi cá bè Đa Phước còn phát huy lợi thế sẵn có của một làng bè sông nước mang đặc trưng bản sắc miền Tây Nam Bộ để phát triển du lịch. Giờ đây, đến Đa Phước, du khách có thể chọn tour tham quan trong ngày, mua sắm và thưởng thức những món ăn địa phương, đặc sản sông nước miền Tây như các loại mắm, khô cá, nhất là đặc sản lẩu mắm cá linh bông điên điển, nghe những điệu hò da diết trên những bè cá mát rượi gió trời.
Nếu có thời gian hoặc yêu thích không khí yên bình, cùng cuộc sống mới lạ trên bè, du khách có thể chọn ở lại vài ngày theo hình thức du lịch homestay - sống ngay trên bè của người dân, cùng ăn, cùng lao động, để từ đó cảm nhận thực tế hơn những nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hóa sông nước, cũng như góp nhặt những kỷ niệm và trải nghiệm độc đáo, khó quên cho hành trình khám phá du ngoạn của mình.
Nhìn từ trên cao, làng bè Đa Phước nổi bật với những mảng màu đan xen, nằm dọc theo dòng sông Châu Đốc. (Ảnh: Nguyễn Phương Ngoan) |
Nhằm tạo điểm nhấn cho cảnh quan làng bè, thu hút khách du lịch, tháng 8/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã thực hiện dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc”, sơn phủ nhiều màu sắc cho hơn 160 bè cá ở Đa Phước. Sau khi các bè cá được "thay áo mới", bước đầu tạo hiệu ứng đẹp mắt.
Công trình làng bè đa sắc màu dài 1.170m do Trung tâm xúc tiến thương mại du lịch và đầu tư tỉnh An Giang làm chủ đầu tư với kinh phí gần 2,7 tỷ đồng tại xã Đa Phước, huyện An Phú.
Công trình chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư sơn 161 nhà bè (trong tổng số 165 bè) theo hiện trạng bằng nguồn vốn sự nghiệp tỉnh. Giai đoạn 2, tỉnh An Giang đang xây dựng Đề án “Sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản trên sông đến năm 2025, tầm nhìn 2030" để sắp xếp các lồng bè khu vực này theo quy hoạch.
Ngoài ra, dự kiến dự án sẽ kêu gọi xã hội hóa gắn đèn led theo màu sắc đã sơn, tạo điểm nhấn độc đáo, linh lung sắc màu về đêm. Sự mới lạ, độc đáo của những dãy bè sắc màu góp phần hấp dẫn khách du lịch, thu hút nhiều doanh nghiệp đến khảo sát để làm dịch vụ.
Làng bè Đa Phước giờ đây còn có thêm tên gọi Làng bè đa sắc màu ngã ba sông Châu Đốc, nằm trên tuyến tham quan, du lịch độc đáo trong một vài năm trở lại đây của tỉnh An Giang. Sau khi tham quan Khu du lịch quốc gia Châu Đốc, du khách có thể đến thăm làng bè Đa Phước, ngồi trên ghe du ngoạn dọc theo tuyến kênh Vĩnh Tế, ghé thăm làng Chăm nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm và hai thánh đường Ehsan, Sunnah có kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng Chăm.
Tỉnh An Giang cũng đang triển khai dự án nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tập trung khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan, thêu, móc….
Dự án Làng bè sắc màu hoàn thành đã tạo nên cảnh quan đặc sắc, hiếm có của đồng bằng sông Cửu Long, với những mảng màu rực rỡ đan xen kết nối, là điểm nhấn độc đáo khu vực ngã ba sông Châu Đốc nhìn từ nhiều hướng. Đồng thời góp phần nâng cao giá trị cuộc sống của người dân.
Nghề dệt truyền thống của đồng bào Chăm đang ngày càng mai một, rất cần được khôi phục, bảo tồn. (Ảnh: Đinh Quang Hưng) |
Tuy nhiên, để xây dựng làng bè Đa Phước trở thành một điểm đến không thể thiếu trong chuỗi các địa chỉ du lịch của đông đảo du khách mỗi khi ghé thăm miền Tây Nam Bộ, chính quyền và người dân Đa Phước cần chú ý đến công tác truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, mạng xã hội nhiều hơn nữa.
Việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của làng bè Đa Phước mở hướng cho việc xây dựng chiến lược khai thác tiềm năng địa phương một cách phù hợp, phát triển bền vững sản phẩm du lịch cũng như tạo sự liên kết mạnh mẽ trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang nói chung và nâng cao đời sống người dân địa phương.
Thánh đường Hồi giáo Masjid Al Ehsan của đồng bào Chăm Đa Phước, một điểm du lịch độc đáo ở An Phú (An Giang). (Ảnh: Đinh Quang Hưng) |