Thái Nguyên, điểm sáng thu hút đầu tư FDI

Hai năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế, là điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 2,1 tỷ USD.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Sông Công II, diện tích 250ha ở tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã được các nhà đầu tư thuê hết diện tích.
Khu công nghiệp Sông Công II, diện tích 250ha ở tỉnh Thái Nguyên, đến nay đã được các nhà đầu tư thuê hết diện tích.

Sau khi kêu gọi thành công Tổ hợp Samsung Thái Nguyên về đầu tư tại khu công nghiệp Yên Bình, tháng 2/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với số vốn tăng thêm 920 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp Yên Bình để mở rộng dự án, tăng năng lực sản xuất, nâng công suất sản xuất bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao lên 73.000m2/tháng; 10 nghìn sản phẩm camera module/tháng; 16 nghìn sản phẩm thấu kính/tháng...

Đây là dự án được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian ngắn nhất và là một trong số ít dự án có số vốn đầu tư tăng thêm lớn nhất cả nước, qua đó giúp công ty rút ngắn kế hoạch đầu tư mở rộng dự án, cam kết sẽ nỗ lực cao để đưa dự án vào vận hành sớm nhất và hy vọng sẽ đạt được kết quả đề ra. Tiếp đó, Tập đoàn Samsung lại tăng vốn, đưa tổng số vốn tăng thêm từ năm 2022 đến nay là gần 1,2 tỷ USD, sau gần 10 năm, tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Thái Nguyên là hơn 7,5 tỷ USD.

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định: Thời gian vừa qua, Tổ hợp Samsung Việt Nam tiếp tục đầu tư rất lớn để mở rộng, phát triển sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành của các cấp, ngành và người dân trong tỉnh. Những năm tới, Tổ hợp Samsung Việt Nam sẽ duy trì sản xuất ổn định, riêng năm 2023 sẽ nỗ lực tăng trưởng 5% so năm 2022 và nghiên cứu đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5/2023, chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.

Hai năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn thu hút mới 26 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 755,6 triệu USD, tăng vốn đầu tư cho 34 lượt dự án FDI với tổng vốn đăng ký tăng thêm hơn 1,4 tỷ USD và chấp thuận 10 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp với tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng.

Trong số 26 dự án FDI cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, có 21 số dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký là 713 triệu USD, chiếm 80,8% về số dự án và 94,4% về tổng vốn đầu tư đăng ký. Đối với 34 lượt dự án thực hiện tăng vốn đầu tư, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc có 24 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 1,23 tỷ USD, đều là các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo…

Ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, tỉnh có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung nhiều nhà đầu tư nước ngoài; tập trung nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Để có được kết quả nêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại 208 cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, trong đó 19 trong số 20 sở, ban, ngành (trừ Thanh tra tỉnh), tất cả chín Ủy ban nhân dân cấp huyện và 178 xã. Cùng với nhiều sáng kiến, sự chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành hỗ trợ, giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, định kỳ báo cáo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thông qua các cuộc họp, kể cả trực tuyến, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI sau khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Có thể thấy, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông liên kết, kết nối như tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc; đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và nhiều dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tăng cường thu hút đầu tư FDI thời gian tới, hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại trong khu vực.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, đến nay tỉnh đã thu hút 171 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 10,3 tỷ USD, đứng thứ tư toàn quốc về thu hút vốn FDI. Nguồn lực này là động lực để phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2022 đạt hơn 31 tỷ USD, trong đó phần lớn là từ các doanh nghiệp FDI. Đạt được kết quả đó là nhờ sự đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thu hút đầu tư nói chung, trong đó có thu hút vốn FDI.