Lan tỏa giá trị di sản tuồng vào trường học

Ðưa nghệ thuật tuồng vào trường học là một trong những chương trình hoạt động nghiệp vụ khá thành công của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Ðà Nẵng trong thời gian qua. Các chương trình biểu diễn, giới thiệu tuồng đến với học sinh, sinh viên được nhà hát dàn dựng công phu, phù hợp với từng lứa tuổi, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng đến với đông đảo học sinh, sinh viên Ðà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu nghệ thuật tuồng với học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng.
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu nghệ thuật tuồng với học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trong việc xây dựng, chọn lựa các trích đoạn tuồng phù hợp để triển khai chương trình “Ðưa sân khấu vào học đường” đã được hàng nghìn học sinh Ðà Nẵng đón nhận. Trong hai ngày 14,15/4 vừa qua, lần đầu học sinh khối 10,11 của Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng) được xem các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trích đoạn “Thị Kính - Thị Mầu”. Những nhân vật trong trích đoạn được các nghệ sĩ hóa thân xuất sắc, tạo ấn tượng đặc biệt đối với học sinh.

Học sinh Nguyễn Thu Hiền chia sẻ: “Em vốn rất thích tuồng và khi được trực tiếp xem biểu diễn tuồng ngay tại sân trường, cảm giác khá ấn tượng. Bên cạnh đó, còn được nghe các cô, chú nghệ sĩ giới thiệu những nét cơ bản về lịch sử hình thành cũng như giá trị đặc sắc của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng. Phần về mặt nạ tuồng cũng như cách các nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật tuồng trong từng vai diễn thật sự làm em xúc động”.

Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: Từ năm 2015, thành phố Ðà Nẵng đã đồng ý cấp kinh phí cho hoạt động đưa tuồng vào giới thiệu với học sinh, sinh viên. Mỗi năm có 30 buổi giới thiệu và biểu diễn minh họa, bao gồm: Nói chuyện, biểu diễn trích đoạn, giới thiệu vẽ mặt, phục trang, đạo cụ tuồng.

Từ năm 2018, các trường quan tâm hơn nội dung này vì có hướng dẫn của ngành giáo dục, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có việc liên kết cùng nhà hát tổ chức các hình thức ngoại khóa, lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ của trường... Nhà hát chọn những trích đoạn tuồng phù hợp, có nhân vật lịch sử gắn với tên gọi từng trường như: Trưng Vương, Lê Lợi, Trần Quốc Toản, Trần Hưng Ðạo… để vừa giúp các em hiểu về nghệ thuật tuồng, vừa nhắc nhớ lịch sử dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước trong thế hệ trẻ.

Trong 12 năm học phổ thông, các em ít được học về sân khấu truyền thống nói chung và tuồng nói riêng, cho nên các buổi sinh hoạt này sẽ giúp học sinh hiểu hơn về giá trị của nghệ thuật tuồng. Biết-Hiểu-Thích và Ðam mê. Ðây là cách đào tạo khán giả trẻ cho sân khấu tuồng theo chính sách “mưa dầm thấm lâu”, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để tạo sức thu hút trong học sinh, sinh viên, nhà hát sẽ xây dựng nhiều trích đoạn, các trích đoạn lịch sử nói về các anh hùng dân tộc gắn với tên trường sẽ được các em tích cực tiếp nhận hơn. Dựng một trích đoạn 20 phút cần kinh phí gần 100 triệu đồng, trong khi đó kinh phí được cấp cho mỗi buổi 10 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ chi bồi dưỡng biểu diễn cho diễn viên, nhạc công, kỹ thuật và chi phí vận chuyển... Mỗi năm nhà hát phải dành một phần nguồn thu khác để dựng trích đoạn mới.

Nghệ thuật tuồng xứ Quảng ở Ðà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1877/QÐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015. Những năm qua, ngành văn hóa thành phố Ðà Nẵng đã đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục phát huy giá trị của di sản này.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Ðà Nẵng cho biết: Chủ trương đưa tuồng vào trường học được triển khai từ năm 2018 cùng với chương trình “Ðưa tuồng xuống phố” trong hoạt động văn hóa nghệ thuật hai bên bờ sông Hàn. Thời gian qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã làm rất tốt và đưa chương trình trở thành hoạt động nghiệp vụ hằng năm với mục tiêu gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo dựng niềm yêu thích nghệ thuật tuồng ở các thế hệ trẻ.