Đó là thông tin do ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ khi đề cập đến vấn đề tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Dù vậy, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng qua là 100 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so cùng kỳ.
"Điều này thể hiện rõ những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, dù việc hỗ trợ của ngành ngân hàng khá tốt , nhưng số lượng doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều,” đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh.
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân
Đồng quan điểm, ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty cổ phần HDC cho biết: Hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu nguồn vốn. Để có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, Công ty đã tiếp cận ba ngân hàng và được phê duyệt tổng hạn mức tín dụng 80 tỷ đồng.
Nhưng thực tế, hiện cả ba ngân hàng mới chỉ giải ngân cho doanh nghiệp khoảng 10 tỷ đồng theo hình thức tín chấp, thấp hơn rất nhiều so với hạn mức được cấp. Còn nếu muốn được giải ngân thêm, thì doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Đây là điều kiện vô cùng khó với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Điều này đã làm giảm đi năng lực bán hàng của doanh nghiệp và trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi mới chỉ thu xếp được vốn để sản xuất cho 35% đơn hàng cung cấp cho thị trường trong nước", ông Huân cho hay.
Thực thi nhiều giải pháp
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng đồng Việt Nam của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 10%/năm so cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; đồng thời, cũng đã phối hợp Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, hiện nay, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Trước mắt, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn ngắn hạn thông qua giải pháp tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp.
Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn.
"Vì vậy, để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán”, ông Thân nhấn mạnh.
Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi.
“Giảm lãi suất nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng như tài sản bảo đảm không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền. Ngân hàng không có đủ cơ sở bảo đảm để cho vay tiếp,” ông Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam nhìn nhận, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
“Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân”, Tiến sĩ Bình khẳng định.
Cụ thể, theo Tiến sĩ Bình, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ khả thi khi ngành công thương có các nỗ lực đưa tốc độ tăng trưởng của ngành này quay trở lại; tín dụng cho lĩnh vực thương mại sẽ chỉ có thể được duy trì, tăng cao nếu như các hoạt động thương mại, tiêu dùng trong nước, hay hoạt động xuất nhập khẩu được cải thiện; tín dụng tiêu dùng bất động sản sẽ chỉ có thể quay trở lại tăng trưởng dương nếu như: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương cùng chung tay tháo gỡ các khó khăn, góp phần làm gia tăng nguồn cung về nhà ở, đưa giá nhà ở xuống mức hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân...
Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc làm cách nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là vấn đề đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề đặc biệt quan tâm nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Với tính chất quan hệ đồng hành, cộng sinh, khó khăn, thách thức hiện hữu của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn mà ngân hàng sẽ phải đối mặt. Các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng bảo đảm an toàn hệ thống.
“Tuy nhiên, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển kinh tế”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng chương trình, gói sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn.
Ngoài ra, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng kiến nghị cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Cụ thể, ông Đào Minh Tú đề nghị cần xử lý triệt để các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để qua đó góp phần đẩy mạnh cả hai phía cung-cầu tín dụng.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, cần tăng cường trao đổi, truyền thông hướng dẫn đối với các doanh nghiệp thành viên, đồng thời tăng cường phối hợp Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, các tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ hiệu quả quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.
Riêng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng lưu ý cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay cũng như tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (phát hành cổ phiếu, trái phiếu...).
“Khi các giải pháp được triển khai đồng bộ sẽ giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.