Mức tăng trưởng 2,43% là thấp hơn mức tăng bình quân khoảng 3,17% của cả nước. Đây là diễn biến trái ngược so với những năm trước đây, dù phản ánh tương đồng với bức tranh kinh tế. Kết quả này rõ ràng mang đến nhiều nỗi lo khi Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò là đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng cho cả khu vực cũng như cả nước.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh xác định, tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khó khăn của các thị trường là những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn, đặt trong mối quan hệ ngân hàng-khách hàng và nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng và tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng nhất có tác động qua lại trong 5 tháng đầu năm và dự báo trong thời gian tới.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn về thiếu đơn hàng, hoạt động xuất, nhập khẩu giảm, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, phải cắt giảm lao động.
Trong khi đó, kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu của thành phố, nhưng nhiều dự án vướng pháp lý chậm triển khai gây ảnh hưởng lan tỏa tới các ngành có liên quan; giải ngân đầu tư công còn chậm, thấp hơn mức trung bình cả nước, ảnh hưởng tới sức cầu nền kinh tế và tác động gián tiếp tới cầu tín dụng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục ban hành hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp với ba lần liên tiếp giảm mức lãi suất điều hành giúp kéo giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế. Trước đó, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và người dân, giảm áp lực trả nợ và nợ xấu, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới.
Một trong những điểm sáng của Thành phố Hồ Chí Minh là chủ động triển khai Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Năm 2023, chương trình có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng quy mô hơn 453 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp với lãi suất hợp lý. Đến nay, chương trình đã giải ngân đạt 117 nghìn tỷ đồng, cho 31.492 khách hàng (bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm 2023).
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, việc khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt kỳ vọng. Doanh nghiệp than phiền vì mức lãi suất cho vay dù có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; gói tín dụng ưu đãi 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ vẫn xa tầm với của doanh nghiệp do điều kiện khắt khe.
Gần đây, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có tín hiệu tích cực khi Cục Thống kê thành phố đưa ra dự báo, tốc độ tăng trưởng GRDP quý II/2023 ước tăng 5,87% so với cùng kỳ. Đây là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp, là điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng nhiều khả năng sẽ hồi phục mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm khi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Để khơi thông vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra thông điệp vẫn nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất thực tế trên thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng thương mại cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Điều quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế để việc giảm lãi suất cho vay phát huy hiệu quả.
Do đó, cần có giải pháp đồng bộ và linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác để bảo đảm vừa hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, vừa thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, vừa kích thích, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế.