Kỳ vọng về tài chính khí hậu tại COP27

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đã nhất trí đưa vấn đề tài chính khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự. Việc hội nghị lớn nhất về khí hậu lần đầu thảo luận vấn đề về bù đắp tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu được kỳ vọng mở đường cho các thỏa thuận hỗ trợ tài chính hiệu quả, giúp việc tiếp cận các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu một cách công bằng và minh bạch hơn.
0:00 / 0:00
0:00
COP27 diễn ra tại thành phố thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập. (Ảnh: The Guardian)
COP27 diễn ra tại thành phố thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập. (Ảnh: The Guardian)

“Biên niên sử hỗn loạn”

Ngay khi các đại biểu từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tới khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ để tham dự COP27, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố báo cáo “Tình trạng khí hậu toàn cầu” hằng năm, trong đó nêu rõ trong 8 năm trở lại đây nhiệt độ mỗi năm đã tăng cao hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn trước. WMO nhấn mạnh, các thảm họa chết người do biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, băng tan, mưa lớn, sóng nhiệt, ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn.

Sự thật đáng buồn trong báo cáo của WMO là rất nhiều kỷ lục về biến đổi khí hậu đã bị phá vỡ. Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính vốn là nguyên nhân của hiện tượng ấm lên toàn cầu đều lập mức kỷ lục mới, trong đó khí methane có tốc độ tăng hằng năm cao chưa từng thấy.

55% bề mặt các đại dương đã trải qua ít nhất một đợt sóng nhiệt trong năm 2022. Trong khi đó, tình trạng băng tan khiến mực nước biển dâng đã cao gấp đôi trong 30 năm qua, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở những vùng trũng ven biển.

Theo báo cáo của WMO, nhiệt độ nước bề mặt các đại dương, nơi hấp thụ hơn 90% nhiệt tích tụ từ hoạt động xả khí thải carbon của con người, đã tăng cao kỷ lục trong năm 2021 trong khi tốc độ ấm lên đã đặc biệt nhanh trong 20 năm gần nhất. 55% bề mặt các đại dương đã trải qua ít nhất một đợt sóng nhiệt trong năm 2022. Trong khi đó, tình trạng băng tan khiến mực nước biển dâng đã cao gấp đôi trong 30 năm qua, đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu người dân ở những vùng trũng ven biển.

Từ đầu năm 2022, các cộng đồng dân cư ở khắp các châu lục đã phải hứng chịu những thảm họa thời tiết khắc nghiệt bất thường. Trớ trêu là những nước nghèo vốn không gây phát thải nhiều nhất lại phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua đã nhấn chìm một phần ba lãnh thổ Pakistan. Các nước vùng Sừng châu Phi, nơi hứng chịu các đợt hạn hán kinh hoàng, đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực trầm trọng.

Kỳ vọng về tài chính khí hậu tại COP27 ảnh 1

Nhà ở và nhiều phương tiện tại nhà ga Kordel, Đức, "ngâm" mình trong nước lũ, tháng 7/2021. (Ảnh: AP)

Kể cả những cộng đồng đã có sự chuẩn bị tốt để ứng phó như ở châu Âu, hay Mỹ cũng bị các hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, sóng nhiệt, lũ lụt tàn phá. Theo WMO, trong 30 năm qua, mức độ ấm lên tại châu Âu cao gấp đôi so với phần còn lại của thế giới và châu Âu cũng là châu lục có mức nhiệt độ tăng nhiều nhất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã miêu tả bản báo cáo của WMO như một “biên niên sử hỗn loạn” về khí hậu và cho rằng trái đất đang phát đi tín hiệu khẩn cấp đúng thời điểm COP27 diễn ra.

Châu Âu vừa trải qua một mùa hè với nhiều hình thái thời tiết cực đoan, trong đó phải kể đến đợt sóng nhiệt kỷ lục thiêu đốt nước Anh, các sông băng trên dãy Alps tan chảy nhanh chưa từng thấy và đợt sóng nhiệt kéo dài dưới đáy đại dương khiến nước biển Địa Trung Hải nóng hơn thông thường. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas gọi châu Âu là một bức tranh tả thực tình trạng ấm lên toàn cầu và nhắc nhở thế giới rằng, kể cả những nơi được chuẩn bị tốt cũng không an toàn trước những tác động của các hình thái thời tiết cực đoan.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã miêu tả bản báo cáo của WMO như một “biên niên sử hỗn loạn” về khí hậu và cho rằng trái đất đang phát đi tín hiệu khẩn cấp đúng thời điểm COP27 diễn ra.

Cam kết vừa thiếu, vừa yếu

Tại Hội nghị COP27, các nước phát triển được cho là sẽ thúc đẩy các nước đang phát triển tăng cường các kế hoạch về khí hậu trong khi các nước đang phát triển lại tìm kiếm cam kết về hỗ trợ tài chính và công nghệ cần thiết để ứng phó biến đổi khí hậu. Vấn đề các nước giàu hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo dễ bị tác động để khắc phục tổn thất và thiệt hại cũng là một trong những nội dung được cho là sẽ gây nhiều căng thẳng trong hội nghị lần này.

Các quan chức châu Phi cho biết, việc huy động nguồn tài trợ để giúp các nước ở châu lục này đối phó khủng hoảng khí hậu là chương trình nghị sự quan trọng tại COP27. Dù chỉ phát thải 3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, song các nước châu Phi lại là các quốc gia dễ chịu tác động trước biến đổi khí hậu do thiếu khả năng thích ứng.

Dù chỉ phát thải 3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, song các nước châu Phi lại là các quốc gia dễ chịu tác động trước biến đổi khí hậu do thiếu khả năng thích ứng.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), châu Phi nhận được khoản tài trợ khí hậu hằng năm khiêm tốn là 18 tỷ USD, chỉ bằng một phần nhỏ trong tổng số tiền hằng năm mà châu lục này cần là 128 tỷ USD để đối phó với tác động từ hiện tượng ấm lên toàn cầu. Các đảo quốc Thái Bình Dương, các nước khu vực Mỹ Latin và Caribe cũng nỗ lực tìm kiếm các khoản bồi thường thiệt hại từ thiên tai, bởi dù phát thải ở mức thấp, song người dân ở các khu vực này lại nằm trong số những nạn nhân chịu tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng về tài chính khí hậu tại COP27 ảnh 2

Khí thải thoát ra từ các ống khói của nhà máy Yara France ở Montoir-de-Bretagne, gần Saint-Nazaire, Pháp, ngày 4/3/2022. (Ảnh: Reuters)

Các hội nghị COP trong quá khứ đều đối mặt với bất đồng và các quan điểm cứng rắn do liên quan đến lợi ích quốc gia. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị COP năm 2015 được xem là bước ngoặt lớn, song vẫn còn nhiều cam kết dở dang. Cho đến nay, cam kết của các nước giàu về hỗ trợ tài chính giải quyết các vấn đề khí hậu, chẳng hạn như cam kết trị giá 100 tỷ USD/năm giúp các nước nghèo hơn đạt mục tiêu khí hậu, vẫn chưa được đáp ứng.

Các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh, con số 100 tỷ USD cam kết tài trợ mỗi năm chỉ là “mức tối thiểu để xây dựng lòng tin” trong các cuộc đàm phán bởi trên thực tế, để hỗ trợ hiệu quả cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thế giới cần tới hàng nghìn tỷ USD. Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), khoản tài trợ hiện nay dành cho các nước đang phát triển thích ứng biến đổi khí hậu thấp hơn từ 5 đến 10 lần so với mức cần thiết.

Trong tuyên bố tại phiên khai mạc COP27, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry nhấn mạnh, đây là lần đầu chương trình nghị sự chính thức của COP dành một đề mục riêng cho các thỏa thuận hỗ trợ tài chính để thu hẹp khoảng cách, khắc phục tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Việc đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự chính thức phản ánh tinh thần đoàn kết và sẻ chia với những khó khăn, mất mát mà các nạn nhân của những thảm họa liên quan biến đổi khí hậu phải chịu đựng. Chủ tịch COP27 lưu ý, những cuộc thảo luận về tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong chương trình nghị sự của COP27 sẽ không bao gồm khoản nợ hay bồi thường có ràng buộc, nhưng được kỳ vọng mở đường cho một quyết định cuối cùng trước cuối năm 2024.

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav cho rằng, cần tìm cách làm rõ định nghĩa về tài chính khí hậu, cho dù đó là các khoản tài trợ, cho vay hay trợ cấp. Ấn Độ phản đối bất kỳ nỗ lực nào coi các khoản cho vay là tài chính khí hậu, bởi những khoản tiền đó chỉ đẩy các nước nghèo và các nước đang phát triển vào tình trạng nợ nần chồng chất.

Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Bhupender Yadav cho rằng, cần tìm cách làm rõ định nghĩa về tài chính khí hậu, cho dù đó là các khoản tài trợ, cho vay hay trợ cấp. Ấn Độ phản đối bất kỳ nỗ lực nào coi các khoản cho vay là tài chính khí hậu, bởi những khoản tiền đó chỉ đẩy các nước nghèo và các nước đang phát triển vào tình trạng nợ nần chồng chất. Người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu của Ủy ban Kinh tế châu Phi tại Liên hợp quốc Jean-Paul Adam chỉ rõ, châu Phi hy vọng COP27 sẽ đạt tiến bộ về vấn đề hỗ trợ tài chính, song cần làm rõ khoản nào là tài trợ, khoản nào là cho vay ưu đãi và phần còn lại sẽ được giải quyết thông qua đầu tư của khu vực tư nhân.

Đảo ngược “lộ trình ấm lên” toàn cầu không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh các yếu tố bất ổn về kinh tế, địa chính trị, cũng như sự chệch hướng trong thực hiện các cam kết của một số nước. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng, COP27 phải là hội nghị xóa bỏ khoảng cách về tham vọng, sự mất lòng tin và mất đoàn kết, đưa thế giới trở lại đúng lộ trình cắt giảm khí thải, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với khí hậu, thực hiện cam kết tài trợ khí hậu, giúp khắc phục thiệt hại, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.