Kỳ vọng kinh tế đột phá

Triển khai thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54… là những nền tảng vững chắc về thể chế để thành phố phát triển đột phá trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến tháng 3/2023, sẽ hoàn thiện kiến trúc các nhà ga trên cao tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên).
Dự kiến tháng 3/2023, sẽ hoàn thiện kiến trúc các nhà ga trên cao tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên).

Lãnh đạo thành phố nhìn nhận, muốn phát triển, trước mắt, thành phố phải khắc phục được những tồn tại hạn chế đang cản trở sự phát triển của kinh tế thành phố, đó là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội còn quá tải; ngập lụt, kẹt xe, giải ngân vốn đầu tư công thấp, phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa ngành với địa phương chưa thật sự chặt chẽ, thực hiện hiệu quả công việc chưa cao, bệnh sợ trách nhiệm vẫn còn tồn tại… đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục.

“Thành phố Hồ Chí Minh đừng để người dân, doanh nghiệp phải chờ quy định này, quy định khác. Chúng ta cần phải tháo gỡ cho họ. Trong điều hành thì phải có yếu tố năng động, dám nghĩ, dám làm, không máy móc, rập khuôn. Bởi vì tình hình biến động, cuộc sống luôn năng động nên người điều hành cũng biến động, năng động thích ứng nhưng phải nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật để không chệch đường ray” - đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp.

Thẳng thắn nhìn nhận những cơ hội đã để lỡ hoặc làm chưa tốt, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong quá trình triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, dù thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng hiệu quả của các chính sách chưa rõ ràng, chưa đạt được như kỳ vọng của Quốc hội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử như, về quản lý đất đai, mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 54 đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ nhưng sau khi Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các nghị quyết thì các quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện còn chậm và cũng chưa được chuẩn bị tốt.

Hay về quản lý đầu tư, có sáu dự án nhóm A thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 đều chậm tiến độ. Trong sáu dự án thì có ba dự án chưa thực hiện, phải tiếp tục bố trí vốn, ba dự án đang triển khai nhưng tiến độ rất chậm, chưa bảo đảm và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tương tự, đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo thành phố ấp ủ hơn bốn nhiệm kỳ nhưng chưa được triển khai.

Năm 2022, dựa trên kiến nghị của thành phố, Bộ Chính trị một lần nữa ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 là Trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại của Đông Nam Á và của khu vực châu Á đến 2045. Mục tiêu cụ thể, thành phố được xếp hạng trong nhóm 50 Trung tâm Tài chính hàng đầu thế giới của GFCI năm 2030 và trong nhóm 20 Trung tâm Tài chính hàng đầu thế giới năm 2045.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc lập Trung tâm Tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng nên thành phố "không thể chậm trễ hơn" và phải cố gắng làm nhanh nhất có thể, không để mất cơ hội. TS Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright cho rằng, muốn phát triển kinh tế, thành phố cần phải ưu tiên phát triển giao thông thông thoáng, giảm chi phí.

Năm 2023, những dự án giao thông trọng điểm như: hoàn thành tuyến Metro số 1; dự án chống ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; khởi công dự án Vành đai 3; khởi công dự án Metro số 2, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; dự án nâng cấp quốc lộ 50; khởi công sớm dự án Rạch Xuyên Tâm… sẽ là đòn bẩy, là cú hích vừa làm thay đổi diện mạo đô thị, vừa tạo đà cho phát triển kinh tế mà thành phố cần tận dụng.

Bên cạnh đột phá về hạ tầng, năm 2023, thành phố nên tận dụng và tiếp tục thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế. Đó là, cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; ban hành và triển khai có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư…

Thành phố cũng cần đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình số hóa, xúc tiến xây dựng đề án phát triển ngành logistics, triển khai trung tâm logistics, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kích thích tiêu dùng nội địa; đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng chuỗi cung ứng để triển khai chương trình bình ổn thị trường…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của Nghị quyết 31-NQ/TW đặt ra cho thành phố là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại tổng thể kinh tế thành phố đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã chuẩn bị bảy nhóm giải pháp; trong đó, chú trọng đến chương trình chuyển đổi số; xây dựng thành phố thông minh; xây dựng và triển khai thực hiện thành công Trung tâm Tài chính quốc tế; chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó là các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Để thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thành phố sẽ xây dựng chính sách ưu đãi và xúc tiến đầu tư nhằm chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, thực hiện đề án huy động nguồn lực đầu tư xã hội; đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố…

Ngoài ra, với những nền tảng đã có sẵn, thành phố sẽ dồn mọi nguồn lực phát triển thành phố Thủ Đức thành Trung tâm kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, năng suất lao động cao, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế-xã hội của thành phố; xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển đô thị mới.

Đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, phát triển nhà ở gắn với cơ bản giải quyết dứt điểm nhà ở ven kênh, rạch, chung cư cũ xuống cấp; nâng cao mật độ cây xanh, công viên công cộng; phát triển không gian ngầm; bảo đảm các chương trình an sinh xã hội hướng tới mục tiêu thành phố đáng sống ■