Kon Tum: Công trình kè chống sạt lở bị sạt lở nghiêm trọng

NDO - Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô đoạn qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum được triển khai từ năm 2009 nhưng bị gián đoạn 7 năm. Qua 2 lần thi công, đến nay công trình trên vẫn chưa tìm được đơn vị để bàn giao và đang bị sạt lở nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Các tấm đan bị sạt lở được tập kết giữa lòng sông.
Các tấm đan bị sạt lở được tập kết giữa lòng sông.

Công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô có quy mô chiều dài tuyến 1.924m. Với tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng công trình phòng chống sạt lở đê, kè phòng chống lụt bão cấp bách, dự án được triển khai từ năm 2009.

Kon Tum: Công trình kè chống sạt lở bị sạt lở nghiêm trọng ảnh 1

Phần chân kè bị hư hỏng nặng.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Lưu Văn Lợi (chủ đầu tư dự án) cho biết, trong quá trình triển khai, do tình hình nguồn vốn bố trí cho dự án gặp nhiều khó khăn và kéo dài, sau 4 năm thi công, đến năm 2013 dự án tạm dừng và giá trị xây lắp đạt hơn 25 tỷ đồng.

Lý do dừng thi công là vì thời điểm đó Chính phủ chống lạm phát phải điều chỉnh lại dự án; nguồn vốn bố trí cho dự án gặp khó khăn nên công trình phải tạm dừng.

Đến năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum điều chỉnh dự án, bố trí nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các hạng mục cần thiết còn lại nhằm hoàn thiện tuyến bờ sông, phát huy hiệu quả công trình.

Đến tháng 12/2021 hợp đồng xây lắp được thi công xong với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng.

Kon Tum: Công trình kè chống sạt lở bị sạt lở nghiêm trọng ảnh 2

Sạt lở từ chân kè công trình lên trên bờ 2-3m.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm hoàn thành, do ảnh hưởng cơn bão số 4 ngày 28/9/2022 gây mưa lớn làm hư hỏng phần chân kè và mái kè phía sông, công trình kè chống sạt lở đã bị… sạt lở ở đoạn vừa thi công xong.

Có mặt tại hiện trường, có thể dễ dàng nhìn thấy hàng loạt tấm đan bờ kè áp mái bên ngoài bị sạt 1 đoạn dài hơn 60 m. Công trình bị sạt từ chân kè công trình lên trên bờ 2-3 m khiến hàng trăm tấm đan bị trôi, sạt xuống dưới. Một số điểm, các tấm đan trôi, nước ăn vào trong chân bờ kè.

Theo ông Lưu Văn Lợi, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì sau những mùa mưa lũ sắp tới, dòng chảy lũ gây sạt lở đất sâu vào phía thân kè và có thể dẫn đến hiện tượng sập thân kè.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã có báo cáo gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum đề xuất kinh phí sửa chữa khoảng 1 tỷ đồng.

Thế nhưng, 8 tháng sau, sự cố vẫn chưa được khắc phục và ông Lưu Văn Lợi tiếp tục giải thích là theo nguyên tắc, ảnh hưởng do thiên tai thì phải xin ý kiến bên cơ quan phòng chống lụt bão để bố trí vốn khắc phục.

Kon Tum: Công trình kè chống sạt lở bị sạt lở nghiêm trọng ảnh 3

Kè chống sạt đã lở.

Mặc dù công trình kè chống sạt lở hoàn thành chưa được 1 năm đã bị sạt lở nhưng chủ đầu tư lại lấy lý do mưa bão để xin vốn từ tỉnh sửa chữa thay cho trách nhiệm của đơn vị thi công. Khi dư luận lên tiếng về chất lượng công trình, việc sửa chữa mới được triển khai chiếu lệ.

Nhưng trên thực tế, ghi nhận của phóng viên tại hiện trường ngày 2/6 cho thấy, công tác khắc phục chỉ mới bắt đầu triển khai. Tại hiện trường, chỉ khoảng 6 lao động thủ công làm việc. Phương tiện thực hiện là cuốc, xẻng và sức người. Một đoạn sạt lở dài 60 m vẫn chưa được khắc phục. Hiện trường vẫn ngổn ngang. Mọi việc mới chỉ dừng lại ở ghép tạm được vài tấm đan vào nhau. Phần sạt lở, hư hỏng chân kè và mái kè phía sông vẫn chưa khắc phục. Ở dưới lòng sông, hàng trăm tấm đan bị sạt vẫn nằm ngổn ngang.

Kon Tum: Công trình kè chống sạt lở bị sạt lở nghiêm trọng ảnh 4

Chỉ có khoảng 6 công nhân đang khắc phục hư hỏng.

Ông Lưu Văn Lợi khẳng định, khâu khắc phục sạt lở đã hoàn thành, chủ đầu tư đã kiểm tra lại, toàn bộ khối lượng khắc phục khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng công trình chưa bàn giao đưa vào sử dụng nên đơn vị thi công phải bảo hành, bảo trì...

Ngày 3/3/2022, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn là chủ đầu tư công trình đã làm Tờ trình số 12/TTr-BQL gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc phân cấp đơn vị quản lý nên chưa thể tiến hành thủ tục bàn giao nhưng đến nay vẫn chưa nhận được chỉ đạo đơn vị nhận bàn giao từ Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. Việc chậm bàn giao khiến công trình vẫn chưa tìm được đơn vị quản lý, sử dụng và bảo vệ. Vì chưa bàn giao nên đơn vị thi công vẫn phải bảo hành, bảo trì khi gặp sự cố.