Trong số 30 con bò được trao tại xã Ia Dom, có 18 con thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và 12 con Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mỗi hộ được nhận bò vàng sinh sản với giá trị từ 23-25 triệu đồng, bao gồm cả kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân làm chuồng trại.
Anh Ngân Bá Quân, dân tộc Tày, thôn 4, xã Ia Dom cho biết, gia đình anh có 4 người, kinh tế thuộc diện khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương cạo mủ cao su của anh. Sau thời gian làm việc, anh mong muốn có thêm gia súc để chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, do không có kinh phí, anh không thể mua được bò về nuôi.
“Mình rất vui vì được nhận bò của Nhà nước. Con bò này sẽ giúp gia đình mình có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi để sớm thoát được nghèo”, anh Quân phấn khởi cho biết.
Người dân nghèo xã Ia Dom vui vẻ nhận bò. |
Tương tự, chị Hoàng Thị Kiều, dân tộc Thái, trú thôn 1, xã Ia Dom cũng thuộc diện hộ nghèo của xã. Gia đình neo người, chỉ có hai mẹ con, trông chờ hoàn toàn vào tiền lương cạo mủ cao su nên không có điều kiện phát triển kinh tế. Vì vậy, việc được trao bò sinh sản lần này giúp bà có thêm gia súc để chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Dom cho biết, dù xã Ia Dom đã đạt chuẩn nông thôn mới, song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn chiếm khoảng 6,8%, chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số người dân sống trên địa bàn làm công nhân cạo mủ cao su cho các lâm trường, nên thu nhập không cao. Nhiều hộ gia đình dù muốn chăn nuôi gia súc để tăng thu nhập, song không có điều kiện để mua.
“Điều kiện tự nhiên của xã Ia Dom rất phù hợp việc chăn thả gia súc, do diện tích rộng lớn và là vùng nguyên liệu chăn thả. Chính quyền địa phương đã chắt lọc cụ thể danh sách các hộ nghèo của xã để trao bò. Chúng tôi cũng yêu cầu bà con cam kết chăn nuôi bò để sinh sản; đồng thời, huyện tổ chức lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ nghề nuôi bò sinh sản cho bà con để bà con có đủ kiến thức chăm sóc bò, không để bò bị bệnh và phát triển tốt. Qua đó, giúp giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã”, ông Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ.
Có thể khẳng định, việc trao bò theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò và ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp bà con thoát nghèo, mà còn góp phần xây dựng vùng biên giới ổn định, phát triển.