Kon Tum: Cà-phê bị ảnh hưởng tiêu cực do nắng hạn và biến đổi khí hậu

NDO - Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng điều tiết nước tưới của các công trình hồ chứa, đập thủy lợi. Là thủ phủ cà-phê của tỉnh Kon Tum, nhiều diện tích cà-phê tại huyện Đăk Hà đã xuất hiện tình trạng cháy lá, khô cành và quả non do không bảo đảm nguồn nước tưới tiêu.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống kênh cấp nước tại Đăk Hà cạn kiệt do các công trình thủy lợi không còn đủ nước.
Hệ thống kênh cấp nước tại Đăk Hà cạn kiệt do các công trình thủy lợi không còn đủ nước.

Liên tục nhiều ngày nay, các hộ công nhân, người lao động Công ty Cà phê Đăk Uy và người trồng cà-phê trên địa bàn xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đứng ngồi không yên khi chứng kiến vườn cây đang xuống cấp một cách nhanh chóng.

Do thiếu nguồn nước tưới, nhiều diện tích cây trồng đã bị héo rũ, khô cành và quả non. Xót của, nhiều hộ dân phải luân phiên túc trực, tìm kiếm để chia sẻ nhau nguồn nước ít ỏi từ các ao, hồ nằm cách xa hàng cây số.

Vừa tất tả chạy đi tìm kiếm nguồn nước từ các ao hồ để đặt máy bơm, anh Đào Nhật Hợi, trú tại thôn 4, xã Hà Mòn vừa tranh thủ gọi điện cho các hộ có rẫy cận kề để rủ nhau chung dàn ống khi có nguồn nước tưới.

Sau thời gian gần một tháng kể từ đợt tưới lần trước, diện tích cà-phê tái canh của gia đình anh Hợi đang bắt đầu héo rũ dù rẫy của gia đình nằm ngay dưới dòng kênh cấp I của công trình Đập thủy lợi Đăk Uy.

“Nước ở trên kênh thì cạn từ lâu rồi. Chúng tôi cũng lên tận hồ trên đầu nguồn, nhưng trên đó cũng cạn. Gia đình tôi và các hộ ở đây phải tự đi tìm nguồn nước nhưng khu vực chung quanh hồ cũng không có. Nếu tận dụng được các hồ nhỏ phía dưới thì một gia đình sẽ không thể đủ ống, nên phải chung nhau nguồn nước ít ỏi mà cứu cây”, anh Hợi buồn rầu chia sẻ.

Kon Tum: Cà-phê bị ảnh hưởng tiêu cực do nắng hạn và biến đổi khí hậu ảnh 1
Nhiều cây cà-phê tái canh của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng bị cháy lá, khô quả do thiếu nước tưới.

Nằm cách rẫy cà-phê của anh Hợi không xa, hàng trăm cây cà-phê tái canh năm thứ 2 đến năm thứ 5 của chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Đội 3, Công ty Cà phê Đăk Uy, cũng bị khô cành, rụng lá. Những trái non vừa mới đậu vài tháng trước, cũng héo hắt và không còn khả năng phát triển.

Để cứu vãn vườn cà-phê, chị Hồng phải thuê toàn bộ hệ thống từ máy bơm, điện, đường ống dài hơn 1.600m từ hồ chứa lên rẫy. Theo ước tính, chi phí đợt tưới nước thứ 6 này cao gấp 3 lần so với những đợt tưới trước đó.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đăk Hà, mùa khô hạn năm nay, toàn huyện có trên 500ha cây trồng có nguy cơ thiếu nguồn nước tưới.

Vừa loay hoay với dàn ống tưới, chị Hồng than thở: "Thông thường cà-phê tái canh thì cứ 20 đến 25 ngày tưới một lần. Những hộ ở cuối nguồn nước thì phải đợi cho các hộ trên tưới xong hết thì mới tới lượt mình. Nhưng đợt này hơn cả tháng rồi, nên một số cây cà-phê, quả đã bị khô non hết. Bây giờ, tưới nước thì cũng chỉ để dưỡng cây cho mùa vụ sang năm, nguồn quả năm nay thì đã khô non và rụng hết rồi".

Kon Tum: Cà-phê bị ảnh hưởng tiêu cực do nắng hạn và biến đổi khí hậu ảnh 2
Người dân và công nhân Công ty Cà phê Đăk Uy bất lực nhìn vườn cà-phê oằn mình chịu hạn.

Theo thống kê của Công ty Cà phê Đăk Uy, công ty hiện có trên 420ha cà-phê, trong đó có 270ha cà-phê tái canh năm thứ hai đến giai đoạn bắt đầu bước vào chu kỳ kinh doanh. Hầu hết diện tích này phụ thuộc vào nguồn nước điều tiết từ hệ thống kênh cấp nước dẫn từ đập Đăk Uy, cách xa trên 10km. Khi nguồn nước từ hệ thống kênh cấp dẫn nước bị sụt giảm, không còn khả năng điều tiết nước tưới về cuối nguồn, nắng hạn đã làm trên 60ha bị thiệt hại.

Bên cạnh nỗi lo sụt giảm năng suất, sản lượng, nhiều doanh nghiệp, người trồng cà-phê còn lo lắng vườn cây sẽ bị ảnh hưởng lâu dài do tác động của biến đổi khí hậu tiêu cực như hiện nay.

Đánh giá về thiệt hại do tác động của nắng hạn kéo dài trong thời gian qua, anh Lê Thanh Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật-Nông nghiệp, Công ty Cà phê Đăk Uy cho biết, đối với những diện tích cà-phê bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nguy cơ sụt giảm năng suất trên 35% trong niên vụ tới. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực tới hàng trăm hécta cà-phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và bắt đầu vào chu kỳ kinh doanh.

Thông tin từ Ủy ban nhân dân xã Hà Mòn cho biết, xã có tổng diện tích trên 444ha cà-phê tái canh. Trong đó, diện tích cà-phê tái canh của người dân là 173ha và của Công ty Cà phê Đăk Uy trên 270ha.

Bên cạnh nỗi lo sụt giảm năng suất, sản lượng, nhiều doanh nghiệp, người trồng cà-phê còn lo lắng vườn cây sẽ bị ảnh hưởng lâu dài do tác động của biến đổi khí hậu tiêu cực như hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, người dân đang bước vào đợt tưới thứ 6 đến đợt thứ 8. Ước tính chi phí vật tư nông nghiệp cho mỗi hécta cà-phê là trên 20 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tiêu.

“Trước dự báo tình trạng nắng hạn diễn biến kéo dài, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp trong điều tiết nguồn nước tưới. Chúng tôi vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước. Song trong nhiều ngày qua, mực nước tại các công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn huyện Đăk Hà không còn bảo đảm khả năng điều tiết nước tưới đến diện tích sản xuất ở cuối nguồn”, anh Trịnh Văn Hân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Mòn cho biết.

Huyện Đăk Hà là địa phương có diện tích cây cà-phê lớn nhất tỉnh Kon Tum với trên 15.000ha. Trong đó, phần lớn diện tích cà-phê bước vào chu kỳ tái canh nằm ở cuối hệ thống kênh mương dẫn nước và phụ thuộc chủ yếu vào khả năng điều tiết nước của các công trình thủy lợi.

Kon Tum: Cà-phê bị ảnh hưởng tiêu cực do nắng hạn và biến đổi khí hậu ảnh 3
Nhiều diện tích cà-phê tái canh tại huyện Đăk Hà khô, héo vì hạn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đăk Hà, mùa khô hạn năm nay, toàn huyện có trên 500ha cây trồng có nguy cơ thiếu nguồn nước tưới. Đặc biệt đối với những diện tích cà-phê tái canh của các doanh nghiệp và người dân. Việc thiếu nước tưới trên diện rộng khiến nhiều diện tích cà-phê tái canh không chỉ bị sụt giảm năng suất trong niên vụ tới đây, mà còn ảnh hưởng đến cả chu kỳ sinh trưởng và phát triển về sau.

“Đây là giai đoạn cây cà-phê sinh trưởng phát triển mạnh, nhưng cũng dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu. Việc thiếu nước tưới cùng với độ ẩm không khí xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng trong niên vụ 2022-2023 mà còn tiềm ẩn nguy cơ cây trồng bị tổn thương bộ rễ, phát sinh tuyến trùng và các loại mầm bệnh khó phát hiện, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất trong suốt chu kỳ kinh doanh sau này”, anh Lê Thanh Hùng cho biết.

Mong mưa là tâm lý chung của hầu hết người làm nông nghiệp nói chung, người trồng cà-phê nói riêng. Song, để hình thành và phát triển một nền nông nghiệp thực sự bền vững, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần phải có những biện pháp tích cực và khả thi hơn thay vì những giải pháp mang tính tức thời, cấp bách như hiện nay.