“Thủ phủ” cà-phê Việt Nam

Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà-phê Việt Nam, bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Nhiều năm qua, cà-phê là nông sản chủ lực trong cơ cấu kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đắk Lắk đang xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.
Đắk Lắk đang xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới.

Cà-phê là loại nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Cây trồng chủ lực

Hiện trên địa bàn Đắk Lắk có hơn 213.000ha cà-phê, chiếm diện tích nhiều nhất trong các loại cây công nghiệp của tỉnh. Với điều kiện tự nhiên phù hợp và do được chăm sóc tốt, nên sản lượng và chất lượng cà-phê Đắk Lắk ngày càng tăng. Niên vụ 2021-2022, năng suất đạt 26,3 tạ/ha, tổng sản lượng hơn 526.000 tấn, tăng 17.800 tấn so với niên vụ trước.

Phần lớn diện tích cà-phê ở Đắk Lắk do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý. Giai đoạn 1990-2000, giá cà-phê luôn ở mức cao nên người dân các vùng trọng điểm cà-phê như huyện Cư M’Gar, Krông Pắc, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… trở nên khá giả. Những năm gần đây, việc sản xuất không còn thuận lợi, nhưng nông dân ở “thủ phủ” cà-phê vẫn gắn bó với cây trồng chủ lực này. Ông Nguyễn Văn Thu (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) chia sẻ: “Việc sản xuất cà-phê không nhiều thuận lợi như trước, nhưng ở vùng đất này không thể phá bỏ cây cà-phê để trồng các loại cây khác, bởi cà-phê vẫn là cây trồng chủ lực và bền vững nhất”.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê phục vụ xuất khẩu và nâng cao đời sống của nhân dân, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, như đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất cà-phê bền vững có chứng nhận 4C, UTZ Certifed, RFA, FLO; sản xuất cà-phê có chỉ dẫn địa lý và tiếp tục chương trình tái canh cà-phê (giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích tái canh hơn 24.400ha)… Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà-phê. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 255 cơ sở chế biến cà-phê, tổng sản lượng chế biến hằng năm khoảng 469.000 tấn, gồm cà-phê nhân (430.000 tấn), cà-phê bột (30.000 tấn) và cà-phê hòa tan.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, Huỳnh Ngọc Dương, niên vụ 2021-2022, địa phương xuất khẩu hơn 394.900 tấn cà-phê, tăng 49.700 tấn so với niên vụ trước, chiếm tỷ trọng 23% sản lượng cà-phê xuất khẩu cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 819 triệu USD, tăng hơn 227 triệu USD, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 21% so với cả nước. Đến nay, cà-phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất, với kim ngạch hơn 117,9 triệu USD, tiếp đến là Italia với 72 triệu USD; 21 quốc gia, vùng lãnh thổ đạt kim ngạch hơn 10 triệu USD.

Công ty TNHH MTV Xuất, nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với sản lượng thu mua và xuất khẩu hơn 106.000 tấn cà-phê nhân, doanh thu hơn 6.500 tỷ đồng/năm. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc công ty thông tin, với việc hợp tác cùng 40.000 nông dân trồng cà-phê, các hợp tác xã tại Đắk Lắk và các tổ chức xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp cận hướng canh tác bền vững và nâng cao thu nhập, công ty tiên phong phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam, đồng hành cùng Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột tổ chức thành công 4 cuộc thi Cà-phê đặc sản Việt Nam Amazing Cup, mở ra thị trường mới cho cà-phê Việt Nam, tăng giá trị sản phẩm. “Với sự nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp, cà-phê Việt Nam đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng, từng bước nâng tầm thương hiệu cà-phê Việt Nam trên thị trường thế giới”, ông Huy chia sẻ.

Hiện Simexco DakLak đã giới thiệu và xuất bán thành công cho nhiều nhà rang xay thế giới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan, Pháp, Italia, Mỹ, Canada và Australia. Cà-phê Robusta Đắk Lắk đã được sử dụng trong các cuộc thi Barista vô địch thế giới, khẳng định chất lượng cà-phê Robusta Đắk Lắk, thương hiệu cà-phê Việt Nam ngon hàng đầu trên thế giới.

Điểm đến của cà-phê thế giới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 Nguyễn Tuấn Hà khẳng định: “Đắk Lắk được mệnh danh là “Thủ phủ cà-phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước, riêng sản lượng chiếm hơn 30%”. Tỉnh đang hướng đến xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà-phê thế giới. Điều này thể hiện rõ trong Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-năm 2023 diễn ra từ ngày 10 đến 14/3, là lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, phong cách hiện đại, làm nổi bật chủ đề “Buôn Ma Thuột-Điểm đến của cà-phê thế giới”.

Phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà-phê của thế giới”.

Thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, địa phương đang xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà-phê của thế giới”, phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia. “Hiện thành phố đang phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk và các bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng đề án để sớm trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện”, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Vũ Văn Hưng cho biết.

Cùng với Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, đây là cơ hội lớn và nguồn lực quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và nỗ lực kiến tạo thành phố cà-phê tầm cỡ thế giới.