Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Thủ đô vẫn có những bước tiến quan trọng, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,27%). Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để thành phố Hà Nội tiếp tục chinh phục những mục tiêu cao hơn trong năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Người dân mua sắm hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Năm qua, hàng loạt hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa; chương trình lễ hội văn hóa, du lịch lớn được thành phố Hà Nội tổ chức… đã tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến với Thủ đô. Ngành du lịch của thành phố không chỉ có sự phục hồi mạnh mẽ mà còn bứt phá ngoạn mục, khẳng định vị trí điểm đến hấp dẫn của khu vực.

Ước tính, 27,86 triệu lượt khách đã đến Thủ đô, trong đó có 6,35 triệu lượt khách quốc tế, chiếm tới hơn 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu từ ngành du lịch đạt 110.520 tỷ đồng, tăng trưởng 18,3% so với năm 2023.

Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Không chỉ riêng ngành du lịch, hầu hết các lĩnh vực kinh tế Thủ đô năm 2024 đều đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng. Tăng trưởng GRDP của thành phố năm 2024 ước đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ năm 2023 tăng 6,27%). Quy mô nền kinh tế khoảng 58 tỷ USD. Cân đối thu, chi ngân sách và nguồn vốn cho đầu tư phát triển được bảo đảm. So với năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước vượt 500.000 tỷ đồng, tăng hơn 120%. Kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tương ứng đạt 19,4 tỷ USD, tăng 16,7%. Thu hút đầu tư nước ngoài dự kiến đạt hơn 2 tỷ USD…

Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Công nghiệp và xây dựng tăng 6,21%; nông nghiệp tăng 2,52%, dịch vụ tăng 7,14%. Trong năm 2024, thành phố có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký hơn 276.000 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 881.000 tỷ đồng, tăng 10,5%...

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, nhờ triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất khẩu… của Hà Nội trong năm 2024 tiếp tục hồi phục tích cực.

Thành phố đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, từng bước hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và giá trị cao trong chuỗi sản xuất… qua đó, tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, hơn 400.000 doanh nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính gắn với nền công vụ hiện đại, cán bộ, công chức thật sự vì doanh nghiệp, vì người dân; đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp xúc, đối thoại…

Thắng lợi năm 2024 sẽ tạo động lực, tiền đề quan trọng để Hà Nội bước vào năm 2024 với những nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch mới. Thành phố đã xác định các chỉ tiêu của năm 2025; trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,5% trở lên, GRDP/người/năm đạt khoảng 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5% trở lên; đến cuối năm 2025, thành phố không còn hộ nghèo…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiệm vụ hàng đầu của thành phố năm 2025 là tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế.

Thành phố tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số (nhất là thương mại điện tử), kinh tế đêm, kinh tế đô thị…

Thành phố quyết tâm cao nhất, tập trung cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi); đổi mới tư duy, có giải pháp thông minh, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng GRDP, tập trung phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả để phát huy vai trò động lực tăng trưởng thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Trong đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển; tập trung bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.

“Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh”- Phó Chủ tịch Hà Minh Hải nhấn mạnh.