Tự tin hướng tới những mục tiêu lớn

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng những giải pháp chủ động, quyết liệt, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tự tin hướng tới những mục tiêu lớn trong năm 2025 và thời gian tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh cầu Tứ Liên, một trong ba cây cầu qua sông Hồng được Hà Nội tập trung đầu tư trong thời gian tới.
Phối cảnh cầu Tứ Liên, một trong ba cây cầu qua sông Hồng được Hà Nội tập trung đầu tư trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2024, thành phố dự kiến có 24/25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kế hoạch, trong đó có sáu chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế Thủ đô duy trì mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 162,2 triệu đồng/năm; thu ngân sách ước đạt 492.300 tỷ đồng, bằng 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với thực hiện năm 2023; vốn FDI ước thực hiện 2,01 tỷ USD, đạt kế hoạch năm 2024. Kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố đã có tất cả 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 49,2%), 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những cơ sở quan trọng để thành phố hướng tới năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng có ý nghĩa quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021-2025, năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương đánh giá, thành phố Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố để đi đầu trong sự nghiệp kiến tạo “Kỷ nguyên mới -

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chưa bao giờ Hà Nội có những điều kiện thuận lợi như bây giờ để đi tiên phong trong kiến tạo kỷ nguyên mới. Trong đó, thành phố đã làm được những việc rất quan trọng, nhất là với Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô sửa đổi (2024) là hành lang pháp lý quan trọng, tạo nhiều cơ chế đặc thù để phát huy vai trò chủ động của Thủ đô. Hà Nội đang triển khai nhiều điểm theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sắp tới là Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng với đó, thành phố ngày càng chú trọng phát triển văn hóa, chú trọng đổi mới căn bản, cải cách hành chính, từng bước thực hiện quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông. Mục tiêu xây dựng Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tất cả phụ thuộc vào quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Trước mắt, thành phố tập trung tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Với tinh thần đó, quá trình tinh gọn bộ máy của Hà Nội là một cuộc cách mạng đúng nghĩa. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, thành phố không chỉ giảm số lượng biên chế, mà quan trọng hơn, đó còn là việc tăng tính hiệu quả, tinh thần trách nhiệm và khả năng đáp ứng linh hoạt với những thách thức mới.

Nhiệm vụ trong giai đoạn tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, trong đó tích cực đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô; nghiên cứu và sớm triển khai Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao-Hòa Lạc); sớm xây dựng ba cầu qua sông Hồng; có phương án kết nối thông suốt, đồng bộ các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm và đầu tư, cải tạo các tuyến đường cửa ngõ. Bên cạnh đó, Hà Nội hoàn thiện kết nối hạ tầng khu vực, thu hút đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu vực phía tây thành phố, hạ tầng cho các trường đại học khu vực Đô thị đại học; Khu công nghệ cao sinh học ở Bắc Từ Liêm, Khu công nghệ Đông Anh… và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng năng lượng.

Để sớm cụ thể hóa những mục tiêu này, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội tiếp tục chọn chủ đề năm 2025 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố đến cơ sở cần bám sát, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, nhất là các định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm thành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gắn với tình hình thực tiễn của thành phố và các địa phương; phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp. “Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài khẳng định ■