Đến quận Hoàng Mai những ngày này, mọi người đều cảm nhận được sự chuyển động theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi các dự án hạ tầng đang thi công hối hả, nhiều việc bị kéo dài trong các năm qua, nhưng trong một năm nay đã được quyết liệt triển khai trở lại, từ khi đồng chí Nguyễn Xuân Linh được Thành ủy điều động về làm Bí thư Quận ủy.
Biến áp lực thành động lực
Nổi bật ở Hoàng Mai là hai dự án trọng điểm xây dựng, mở rộng đường Tam Trinh và đường Lĩnh Nam, dù đã được thành phố phê duyệt đầu tư trên dưới 10 năm nay, nhưng vì vướng mắc giải phóng mặt bằng, cho nên hầu như không chuyển động. Ngay sau khi được điều động về Hoàng Mai, đồng chí Nguyễn Xuân Linh đã yêu cầu hệ thống chính trị từ quận tới phường phải bắt tay triển khai dự án đường Tam Trinh ngay với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Sự quyết tâm từ người đứng đầu đã truyền lửa xuống cả hệ thống chính trị. “Áp lực là rất lớn khi lãnh đạo yêu cầu báo cáo tiến độ hằng ngày, nhưng điều đó khiến chúng tôi nỗ lực hơn”, một cán bộ chuyên môn về giải phóng mặt bằng quận Hoàng Mai chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Linh cho biết, quận quyết tâm đến ngày 31/12/2025 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng đường Tam Trinh. Đối với tuyến đường Lĩnh Nam, Quận ủy đã phân công cán bộ phụ trách theo từng khu vực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các phường liên quan thực hiện các phần việc; phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3/2025 và chọn đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Hoàng Mai nhiệm kỳ 2025-2030.
Huyện Thanh Trì cũng đang khẩn trương thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó không thể không kể đến vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Xuân Phong. Đến nay, dù mới nhậm chức về địa bàn mới được hơn ba tháng, nhưng đồng chí đã cùng Thường trực Huyện ủy chỉ đạo giải phóng mặt bằng dứt điểm dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi vốn gặp nhiều vướng mắc 14 năm qua.
Đây là những minh chứng rõ nét cho hiệu quả của công tác luân chuyển cán bộ tại Hà Nội thời gian qua. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết: “Việc điều động cán bộ là yêu cầu quan trọng, cán bộ ở lĩnh vực nào phải đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp chuyên môn. Điều động không nhất thiết phải chờ ngày, chờ tháng, mà theo yêu cầu thực tế, quan tâm bổ sung cán bộ về những địa bàn khó khăn để giải quyết những vụ việc tồn tại ở đó”.
Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ngày 31/5/2021, Thành ủy đã ban hành, triển khai Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.
Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể từ quy hoạch, đào tạo, luân chuyển đến đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nền tảng nhân sự cho khóa mới
Đến nay, kết quả thực hiện của Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đều cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp quản lý đạt 12,58%; tỷ lệ cán bộ nữ diện Ban Thường vụ các cấp quản lý đạt 33,39%; số cán bộ diện Ban Thường vụ các cấp quản lý đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 42,4%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đánh giá hằng tháng trên phần mềm đạt 99,32%.
Toàn thành phố đã thực hiện luân chuyển, điều động 2.580 lượt cán bộ; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tổng số 3.274 lượt cán bộ, công chức; thi tuyển chín chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng tại năm đơn vị khối Đảng, đoàn thể với tổng số 28 ứng viên dự thi; khối chính quyền đã hoàn thành thi tuyển 170 chức danh/289 chức danh thí điểm thi tuyển.
Tuy nhiên, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cũng chỉ rõ, cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ; tỷ lệ cán bộ trẻ ở một số địa phương, đơn vị còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là ở cấp cơ sở còn cao. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ nói chung và ở một số cán bộ còn hạn chế. Năng lực thực tế của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội tiếp tục rà soát, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 04-NQ/TU bảo đảm tiến độ, chất lượng. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch, vị trí việc làm và yêu cầu thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo quản lý, cập nhật kiến thức cho cán bộ; đồng thời làm tốt hơn nữa các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, bảo đảm bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn đào tạo theo đúng yêu cầu vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
“Hà Nội sẽ làm tốt công tác chuẩn bị cấp ủy khóa tới, nhân sự cấp ủy phải thật sự là tinh hoa, hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định, sẵn sàng cống hiến vì thành phố, quê hương, đất nước”, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài khẳng định ■
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ ngày 3/12/2024.