Ngày nào cũng như ngày nào, dù là trời nắng, nhưng anh Lê Văn Hùng ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cũng phải mặc… áo mưa để đến công ty tại Ba La (quận Hà Đông). “Đường quá xấu, bụi mù trời vì đường bị cày xới, rồi vật liệu để ngổn ngang hai bên đường. Không biết tuyến đường này bao giờ mới làm xong”, anh Hùng than thở. Ngày 3/12/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm lễ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6 đoạn từ Hà Đông-Xuân Mai dài 21 km từ 2 lên 6 làn xe.
Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2027 với tổng kinh phí 8.100 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dù đã qua 2 năm thực hiện, tuyến đường vẫn ngổn ngang, gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đời sống người dân. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn khi người dân chưa đồng thuận. Tính đến đầu tháng 12/2024, dự án mới giải ngân được 10,1% kế hoạch vốn.
Một dự án trọng điểm khác tại Hà Nội cũng đang gặp nhiều vướng mắc về giải phóng là dự án tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc-Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120-180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích phải thực hiện thu hồi là 102,3 ha, nhưng hiện mới đạt 13,81 ha, quá chậm tiến độ.
Có thể thấy, hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội sau khi bắt tay vào làm đã gặp rất nhiều khó khăn, chậm trễ, gây nên những hệ lụy ngày càng phức tạp. Các dự án “rùa bò” không chỉ gây ùn tắc giao thông, mất vệ sinh môi trường, mà còn gây tốn kém, lãng phí tiền của xã hội, làm giảm hiệu quả đầu tư. Như tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An, nay đã được đặt tên là đường Phạm Tu, nối từ đường Nguyễn Xiển đến Xa La đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phần lớn, chỉ còn nút giao với đường Phan Trọng Tuệ là dang dở nhiều năm qua.
Nút giao này có vai trò vô cùng quan trọng với giao thông trong khu vực, là điểm thắt giữa các luồng phương tiện từ 4 hướng tuyến: Đường trục phía nam; Đường 70-Phan Trọng Tuệ; đường Phạm Tu; đường Phùng Hưng. Do chưa giải phóng mặt bằng được các hộ dân nằm trong phạm vi xây dựng nên nút giao với một phần cầu vượt vẫn ngổn ngang, phơi mưa nắng từ năm 2017 tới nay.
Sốt ruột với tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội mới đây, đại biểu Nguyễn Bích Thủy (quận Cầu Giấy) cho biết, dự án trục đường phía Nam Hà Tây (cũ) là dự án quan trọng triển khai theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Đến nay, dự án đã qua 16 năm thi công, trải qua 7 lần gia hạn nhưng vẫn chưa xong. Đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố thông tin về tiến độ dự án và thời gian hoàn thành.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, dự án đường trục phía nam còn lại 23 km chưa hoàn thành, trong đó 20 km đã xong khâu giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa đã cam kết chậm nhất hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý II/2025. Ông Thường cũng cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là phê duyệt điều chỉnh dự án.
Đây là dự án chuyển tiếp từ dự án BT của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây trước đây. Sau khi Luật PPP có hiệu lực, dự án được phép chuyển tiếp nhưng lại mắc do điều chỉnh bổ sung thêm khối lượng. Quốc hội vừa thông qua Luật PPP cho phép thực hiện các dự án BT; tuy nhiên, các dự án BT này phải báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Dù vậy, đến nay dự án vẫn chưa được Chính phủ trình Quốc hội.
Theo ông Thường, dự kiến dự án sẽ được phê duyệt điều chỉnh trong quý I/2025. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dự án liên quan khu đô thị Thanh Hà, khu đô thị Mỹ Hưng, là các quỹ đất đối ứng cho dự án. “Tổng thể dự án vẫn đang triển khai, hợp đồng đã được gia hạn bảo đảm tính pháp lý. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong 2025”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải khẳng định.
Để nhanh chóng đưa các dự án thoát khỏi bế tắc, đẩy nhanh tiến độ, Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, thành phố cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia dự án, sai đến đâu chỉ rõ đến đấy, yêu cầu có biện pháp khắc phục, không để tiếp tục kéo dài tình trạng thi công cầm chừng, biến dự án thành “điểm nghẽn” giao thông, gây bức xúc trong dư luận.