Nâng tầm thương hiệu phở Hà Nội

Phở là thức quà truyền thống, quen thuộc với người dân Hà Nội. Nhiều tỉnh, thành phố có phở, nhưng từ các chuyên gia đến người dân, nhiều người đều cho rằng, không ở đâu phở ngon bằng phở Hà Nội. Việc được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ là điều kiện thuận lợi để Hà Nội quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho món ăn này.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan gian hàng phở tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024.
Các đại biểu tham quan gian hàng phở tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024.

Phở đã hiện diện trong cuộc sống của người dân Hà Nội khoảng 100 năm trước. Ngay khi những quán phở đầu tiên xuất hiện đã được người dân thành phố đón nhận và dần trở thành một thương hiệu ẩm thực Hà thành.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, chỉ tính ở 18/30 quận, huyện trên địa bàn, có 700 quán phở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó, những thương hiệu phở gia truyền (có từ hai đời làm phở trở lên) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Với những nét độc đáo về tri thức dân gian trong nấu phở, tập quán thưởng thức của người dân, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa phở Hà Nội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ở tầm quốc tế, thương hiệu Michelin vinh danh sáu quán phở Hà Nội. Việc được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể là điều kiện để quảng bá thương hiệu, nâng tầm cho phở Hà Nội. Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ: Khi tôi tiếp các vị khách quốc tế, lãnh đạo cấp cao của các nước thưởng thức phở, họ rất bất ngờ và đánh giá món ăn này là một sự kết hợp hoàn hảo giữa hương vị và thực phẩm; thừa nhận Phở Hà Nội là món ăn đặc sắc, và đánh giá món phở là một sự sáng tạo của Việt Nam”.

Để nâng tầm, quảng bá thương hiệu phở, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024 vừa qua tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) là một điển hình. Lễ hội đã tổ chức không gian giới thiệu phở, giới thiệu “phở số” và nhiều hoạt động quảng bá khác.

Khẳng định việc ghi danh Phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể là đặc biệt quan trọng, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các chủ thể giữ được danh hiệu, uy tín của các cửa hàng phở. Đó là cơ sở để chúng ta có thể phát triển kinh tế mạnh hơn nữa. Tại Paris (Pháp) có rất nhiều quán phở của Việt Nam.

Tôi cũng từng xếp hàng ở Quận 13 Paris để ăn phở, sân bay Incheon Hàn Quốc cũng có các quán phở Hà Nội, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Và việc ghi danh không có nghĩa phở là của duy nhất Việt Nam mà chúng ta đang làm công việc nhận diện bản sắc của chúng ta, thương hiệu cộng đồng để hội nhập quốc tế, thể hiện phở mang tính đại diện của Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể đề nghị UNESCO đưa phở vào danh sách phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Về phía cơ quan quản lý, Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: Đối với mỗi một loại hình di sản được ghi danh, thành phố đều có kế hoạch và chương trình hành động riêng, đồng thời cũng có cách ứng xử riêng. Nhưng ứng xử với ẩm thực khác ứng xử với nghề thủ công, ứng xử với lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian...

Năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ẩm thực là một trong lĩnh vực của công nghiệp văn hóa.

Ẩm thực là giá trị văn hóa rất được coi trọng tại Hà Nội. Thành phố đã có nhiều kiến nghị, cho nên tới đây, trong kỳ phong tặng nghệ nhân năm 2025, lĩnh vực ẩm thực có tiêu chí, tiêu chuẩn thuận lợi hơn cho các nghệ nhân.

Thành phố cũng sẽ có những quan tâm, ưu tiên hơn trong phát triển thương hiệu các loại hình ẩm thực nói chung, cũng như phát triển thương hiệu phở nói riêng.