Tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công

Đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố Hà Nội mới đạt 52,4% kế hoạch. Hàng loạt các dự án gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, thủ tục… Đây là những điểm nghẽn cần được khơi thông để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công trên tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh. (Ảnh NGỌC TÂN)
Thi công trên tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh. (Ảnh NGỌC TÂN)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố là 77 nghìn tỷ đồng (gấp 1,64 lần so với kế hoạch năm 2023). Lũy kế giải ngân đến ngày 30/11/2024 mới được 40 nghìn tỷ đồng, đạt 52,4% kế hoạch. Ước kết quả giải ngân toàn thành phố cả năm 2024 (đến ngày 31/1/2025) chỉ đạt 87-88% so với kế hoạch. So với cùng kỳ năm 2023, dù giá trị giải ngân tuyệt đối cao hơn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn.

Trong 26 đơn vị có kế hoạch vốn hơn 1.000 tỷ đồng, thì có tới 13 đơn vị có kết quả giải ngân thấp so với trung bình của thành phố; trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp mới giải ngân được 34,9%; Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội giải ngân được 16,6%; Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, các huyện Đan Phượng, Thanh Trì… đều giải ngân dưới mức 30%. Bên cạnh đó, tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kéo dài sang năm 2024 cũng rất thấp, lũy kế giải ngân đến ngày 15/11/2024 mới đạt 1.915 tỷ đồng, đạt 34,4% kế hoạch vốn.

Lãnh đạo thành phố nhận định, các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó chủ yếu là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư… Trong đó có nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục.

Hiện nay, tại một số địa phương, người dân đang có tâm lý chờ đợi các hướng dẫn, chính sách mới của thành phố liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 và công tác giải phóng mặt bằng để được hưởng mức giá bồi thường, hỗ trợ cao hơn, phù hợp với thị trường. Trong kế hoạch vốn năm 2024, nguồn giải phóng mặt bằng thanh toán linh hoạt đến nay còn 3.724 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do các dự án chưa hấp thụ được vốn.

Đối với các dự án cấp thành phố, có 101 dự án báo cáo có khó khăn, vướng mắc, trong đó có 77 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng vì nhiều nguyên nhân như trên. Một số dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương như dự án Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai gặp vướng mắc về xác định nguồn gốc đất; dự án Đại lộ Thăng Long đoạn từ Quốc lộ 21A đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình chưa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tái định cư; Dự án thành phần 3-Vành đai 4 chưa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…

Phân tích nguyên nhân cụ thể tác động đến giải ngân đầu tư công của thành phố chưa đạt kết quả như kế hoạch, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Long Biên Đường Hoài Nam cho biết: “Thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện triển khai các dự án cải tạo vườn hoa, công viên.

Khi triển khai các dự án giải phóng mặt bằng, chúng tôi luôn nhận được đơn, thư khiếu nại của người dân về giá đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là một điểm nghẽn lớn mà thành phố cần quan tâm tháo gỡ để các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công”.

Bên cạnh đó, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam cho rằng, việc thực hiện các thủ tục đầu tư còn chậm, chất lượng dự án có vấn đề nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần. Khi điều chỉnh và phê duyệt mới cũng mất nhiều thời gian. Hiện nay, có tình trạng “tiền chờ dự án” không chỉ ở cấp quận, huyện, mà cả ở thành phố do sự chậm trễ trong việc chuẩn bị thủ tục đầu tư cũng như phân cấp trong đầu tư cho các địa phương chưa triệt để.

Để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công như kế hoạch đã đề ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, trong tháng cuối năm 2024 và tháng 1/2025, thành phố sẽ tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo các kế hoạch; trọng tâm vào các dự án dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao và các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% kế hoạch, Dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, các dự án lớn, các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó yêu cầu từng dự án xây dựng kế hoạch triển khai, giải ngân theo từng tuần, từng tháng để kịp thời đôn đốc các nhà thầu, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân; đồng thời, thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài trước khi thực hiện thanh toán kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong tháng 12/2024.

“Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu các đơn vị, nhất là những đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn, quyết liệt trong điều hành, thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, như “thi công ba ca, bốn kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”; nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động giải pháp thi công phù hợp, điều chỉnh đường găng tiến độ của các dự án để bảo đảm kế hoạch” - lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh.