Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, Chương trình số 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” được Thành đoàn Hà Nội xác định là một trong những nội dung quan trọng trong công tác Đoàn.
Bởi thanh niên là lực lượng quan trọng trong xã hội, việc xây dựng thế hệ trẻ thanh lịch, văn minh, nhạy bén với thời cuộc, tiên phong trong chuyển đổi số, tham gia có chất lượng và trách nhiệm các hoạt động văn hóa, thể thao… chính là tham gia vào công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hiện tại và tương lai.
Từ định hướng đó, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch, chương trình hành động với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Thanh niên tham gia phát triển văn hóa, Thanh niên tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… Trong đó, chú trọng những đầu việc cụ thể, dựa trên thế mạnh năng động, sáng tạo của thanh niên.
Nhằm tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, Thành đoàn Hà Nội triển khai Đề án mã hóa dữ liệu địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mô hình thiết lập hệ thống bản đồ số dữ liệu các địa chỉ đỏ trên địa bàn Thành phố và hệ sinh thái tham quan không gian ảo, trao đổi thông tin, kiến thức lịch sử cho đoàn viên, thanh niên.
Công trình bao gồm một không gian ảo cộng đồng và không gian VR 360 tại 322 di tích lịch sử cách mạng. Đến hết năm 2024, Thành đoàn Hà Nội thực hiện mã hóa 235 điểm di tích, từ đó hình thành một thư viện số, không gian trải nghiệm thực tế ảo 360, qua đó nhằm thiết lập bản đồ số hệ thống các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố và dự kiến hoàn thành toàn bộ 322 công trình trong 6 tháng đầu năm 2025.
Thành đoàn Hà Nội đang làm rất tốt việc dữ liệu hóa “địa chỉ đỏ” và đề nghị Thành đoàn Hà Nội phối hợp chặt chẽ hơn với ngành du lịch trong việc phát huy hiệu quả các điểm đến, di tích của thành phố.
Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
Đối với nhóm hoạt động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Thành đoàn Hà Nội triển khai Đề án Tuổi trẻ Thủ đô tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2022-2025. Các đội Thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn cấp thành phố được triển khai và thành lập với: Đội hình “Giao thông xanh” gồm 675 thành viên, hoạt động tại mười nút giao thông trọng điểm trên địa bàn; Đội Phản ứng nhanh hỗ trợ các tình huống, vấn đề giao thông... Những hoạt động này đã góp phần hỗ trợ cộng đồng, cải thiện văn hóa giao thông của người dân.
Nổi bật trong hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử là triển khai Đề án “Xây dựng nét đẹp văn hóa giao tiếp, ứng xử cho thiếu nhi Thủ đô giai đoạn 2022-2025” với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, điển hình như cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử của thiếu nhi Thủ đô” hay việc xây dựng cụm công trình “Thư viện thanh, thiếu nhi tại các khu dân cư”.
Trong đó, cuộc thi “Văn hóa giao tiếp ứng xử của thiếu nhi Thủ đô” được các trường tiểu học, trung học cơ sở tích cực tham gia, góp phần gieo mầm nếp sống thanh lịch cho các em học sinh ngay từ nhỏ. Đối với xây dựng thư viện, tính đến nay, đã có 62 công trình “Thư viện thanh, thiếu nhi tại các khu dân cư” với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng được khánh thành.
Đoàn Thanh niên các cấp cũng đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới giai đoạn 2023-2027”, “Tuổi trẻ Thủ đô ứng xử văn minh trên không gian mạng”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử; tham gia triển khai “Con đường bích họa, đường hoa thanh niên”, “Tủ điện nở hoa”, “Nhà vệ sinh thân thiện”, “Nhà phân loại rác thân thiện”… vừa xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, vừa tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Đánh giá về hoạt động của Thành đoàn Hà Nội trong thực hiện Chương trình số 06/Ctr-TU, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhận định, Thành đoàn Hà Nội đã thực hiện các hoạt động trong Chương trình 06 rất tốt, rất nhanh, gọn, dù nguồn kinh phí hạn hẹp. Đồng chí đề nghị, Thành đoàn xây dựng từng chuyên đề thực hiện trong từng thời điểm của năm, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần hướng đến các em thiếu nhi để thực hiện lâu dài, chuẩn hóa nhận thức, giao tiếp ứng xử; đồng thời, Thành đoàn Hà Nội cần đánh giá kỹ các mô hình đã thực hiện, để từ đó nhân rộng những mô hình hiệu quả.