Tình trạng bụi mịn ở Hà Nội ngày càng có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2019, có những ngày chỉ số ô nhiễm bụi mịn của Hà Nội đứng thứ 2 Đông Nam Á; sau 5 năm, vào tháng 9, 10/2024, Hà Nội có nhiều ngày ô nhiễm ở mức cao của thế giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có những ngày ở mức đỏ, cá biệt có ngày ở mức tím, mức xấu, rất xấu.
Điển hình như ngày 8/12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội trung bình 200 đơn vị. Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao gấp 30 lần giá trị, theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới.
Còn sáng ngày 17/12, các hệ thống quan trắc chất lượng không khí ở Việt Nam đều ghi nhận mức độ ô nhiễm nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh miền bắc. Dự báo, đợt ô nhiễm này còn kéo dài trong nhiều ngày tới, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Theo các chuyên gia y tế, ô nhiễm không khí, nhất là bụi mịn, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, trong đó mối nguy hại lớn nhất mà bụi mịn gây ra đó chính là do có kích thước siêu nhỏ, chúng có thể đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, từ đó có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Đáng chú ý, những hạt bụi mịn khi xâm nhập vào cơ thể có thể làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi.
Nguyên nhân ô nhiễm không khí, bụi mịn phần lớn xuất phát từ khí thải các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Trong đó, xe máy được coi là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Hiện nay, mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể đến tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên, gây ô nhiễm không khí.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như loại bỏ hơn 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ở ngoại thành, loại bỏ hàng trăm lò gạch thủ công... Thành phố cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm tra khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, giám sát các công trình xây dựng và thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên. Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình phát triển theo hướng kinh tế xanh, đẩy mạnh các biện pháp giảm phát thải các-bon và nâng cao chất lượng sống, góp phần vào mục tiêu quốc gia về phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Đáng chú ý, Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định tiêu chí và thủ tục xác định vùng phát thải thấp, nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm và đã xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, tầm nhìn 2035.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để giảm ô nhiễm không khí, Hà Nội đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong trao đổi dữ liệu về ô nhiễm không khí và xử lý ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh; đồng thời triển khai Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 và Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch quan trắc và bảo vệ môi trường quốc gia, hướng dẫn các tỉnh xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng không khí và các kịch bản ứng phó khi có ô nhiễm nghiêm trọng.
Thành phố đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quốc gia đối với phương tiện cơ giới, ban hành quy định nhận diện xe sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Bộ Công an tăng cường kinh phí, trang thiết bị và nhân lực cho việc thu thập, kiểm định khí thải để phục vụ công tác điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về khí thải gây ô nhiễm không khí…