Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh

NDO - Mới đây, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo "Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh"
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo "Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh"

Hội thảo nhằm cập nhật cho doanh nghiệp Việt Nam những xu hướng và thực tiễn trong áp dụng ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) cũng như các cơ hội và nguồn lực hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong việc triển khai áp dụng ESG vào thực tiễn doanh nghiệp.

Đây là một trong các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thuộc Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp làm chủ dự án.

Dự án là sáng kiến nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội đồng thời góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.

Thông qua đó, sáng kiến hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh-bền vững trong sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh ảnh 1

Toàn cảnh hội thảo “Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Dự án IPSC, Quỹ đầu tư, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) Việt Nam, và đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về các nội dung liên quan đến đón đầu xu hướng thông qua thực hành ESG, thực tiễn áp dụng thực hành ESG trong doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, mở rộng thị trường và tham gia chuỗi cung ứng bền vững, tiếp cận tài chính xanh và bền vững tại Việt Nam, và những cơ hội, nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai áp dụng ESG.

Đối tượng tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 gồm các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh: Có không quá 500 nhân viên toàn thời gian; hoạt động trong các lĩnh vực gồm nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ; có mô hình kinh doanh tuần hoặc/và kinh doanh bao trùm hiệu quả, tạo ra lợi nhuận; có kế hoạch chuyển đổi hoặc mở rộng mô hình kinh doanh bền vững; cam kết hành động để chuyển đổi/nhân rộng sáng kiến kinh doanh bền vững.

Thông qua sáng kiến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư cho bền vững trong doanh nghiệp tư nhân, qua đó góp phần tăng cường sức cạnh tranh, đặt nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sáng kiến ESG Việt Nam là một phần của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Dự án có mục tiêu tháo gỡ các hạn chế về chính sách, thị trường và ở cấp độ doanh nghiệp gây cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, bao gồm những doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.

Dự án IPSC đã giới thiệu Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 – Đợt 1 tới cộng đồng doanh nghiệp. Chính thức mở Cổng đăng ký tại địa chỉ https://main.ipsc.vn/esg từ ngày 15/3/2023, Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 – Đợt 1 hướng đến cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, hợp tác xã, và hộ kinh doanh. Thời hạn nộp hồ sơ là trước 17 giờ, ngày 16/4/2023.

Theo lịch trình dự kiến, đào tạo cơ bản cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí sẽ được triển khai từ ngày 17/4/2023. Top 3 sáng kiến xuất sắc nhất giành chiến thắng sẽ được công bố trong tháng 8/2023 và ngay sau đó sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các đơn vị giành chiến thắng.