Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững

Với những cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách thời gian gần đây, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn cần thêm đòn bẩy để khu vực này tăng sức cạnh tranh, thật sự phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty May 10 là một trong những doanh nghiệp tích cực áp dụng các mô hình xanh vào sản xuất. Ảnh: KHẮC KIÊN
Tổng công ty May 10 là một trong những doanh nghiệp tích cực áp dụng các mô hình xanh vào sản xuất. Ảnh: KHẮC KIÊN

Duy trì tốc độ tăng trưởng

Thực tế cho thấy, tinh thần kinh doanh được nâng cao, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, không ít doanh nhân và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và có thương hiệu vươn tầm quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam. Giai đoạn 2011-2020 cũng đã ghi nhận xu thế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam.

Số lượng DN hoạt động trong nền kinh tế sau hơn 10 năm đạt hơn 878.600 DN, tăng hơn 2,7 lần so với khoảng 324.700 vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng 15,3 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh (trong đó khoảng 1,6 triệu hộ có mã số thuế).

Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP; thu hút 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Vẫn chưa tương xứng

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cần thẳng thắn nhìn nhận các DN tư nhân trong nước còn yếu và thiếu về số lượng cũng như chất lượng, mức độ phát triển và đóng góp chưa tương xứng tiềm năng của khu vực này. Thời gian tới, DN Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức mới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, áp lực trước năng suất lao động và chuyển đổi số trong bối cảnh mới, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN dự kiến tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn với nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; xung đột quân sự Nga-Ukraine có thể kéo dài; lạm phát tăng cao trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn; giá xăng, dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao,… gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của DN và nền kinh tế.

Nhận thức rất rõ điều đó, Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu thập niên 2000 đã ban hành Chương trình Nghị sự 21 “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” và Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Gần đây nhất, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ khi đưa mức phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050 và Chính phủ đã ban hành các chiến lược tăng trưởng xanh, gắn với khối DN để hiện thực hóa những mục tiêu này. “Điều này đã giúp cho Việt Nam từ vị trí thứ 88 vào năm 2016 vươn lên vị trí 49 vào năm 2020 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của LHQ công bố hằng năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin. Đồng thời cho biết, thích ứng với xu thế phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Qua đó, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030, cũng như các chương trình hành động để DN tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt cả thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững ảnh 1

Áp dụng công nghệ mới góp phần tăng năng suất lao động. Ảnh: KHẮC KIÊN

Sáng kiến tăng sức cạnh tranh

Tất cả được thể chế hóa tại các văn bản, có thể kể đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 và Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025. Do đó, đây là thời điểm cần giúp các DN Việt Nam nâng cao nhận thức về các mô hình phát triển bền vững, những cơ hội để được nhận hỗ trợ và tiếp sức trên con đường thực hành phương pháp Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG).

Khu vực tư nhân đã có bước phát triển trong thời gian qua và tiếp tục được hỗ trợ tiến tới phát triển kinh doanh bền vững, bao trùm trong thời gian tới đây. Đặc biệt, Sáng kiến “Thúc đẩy thực hành phương pháp Môi trường - Xã hội - Quản trị trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững” là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc, tạo thành những mô hình, câu chuyện điển hình, giúp tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều DN tích cực thực hành theo phương pháp này, hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn.

Bàn về vấn đề này, Giám đốc Khu vực châu Á của USAID Michael Schiffer cho biết, mặc dù là khu vực tạo việc làm chính nhưng các DN nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam lại gặp nhiều thách thức trong phát triển bền vững. USAID đang mở rộng quan hệ đối tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ các DN này vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội để tăng cường năng lực cạnh tranh.

“Đây là một sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các DN nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs). Các DN này hiện chiếm đến 97% số lượng DN của khu vực kinh tế tư nhân, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP. Số liệu này đã cho thấy SGBs đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bền vững môi trường của Việt Nam”, ông Michael Schiffer nói.

Ngược lại, cách thức mà các DN này tương tác với xã hội và môi trường tự nhiên có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường và thành công của họ. Dưới góc độ ESG, thực hành kinh doanh bền vững không chỉ giới hạn ở các vấn đề môi trường mà còn liên quan đến yếu tố con người, nguồn lực và hệ thống. DN đầu tư vào công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng hơn, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến tác động đối với cộng đồng. Những DN đó cũng thường đi đầu trong việc xem xét ý kiến đóng góp của các bên liên quan, có xu hướng đạt được mức tăng trưởng nhất quán và có tính chống chịu cao hơn so với các DN khác.

Sáng kiến mới này tập trung vào việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thực hành ESG trong khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cho các DN nhỏ và đang tăng trưởng về thực hành ESG. Đồng thời mở rộng mạng lưới các DN quan tâm đến ESG, qua đó thúc đẩy và trao đổi các thực tiễn tốt nhất. Mục tiêu đến năm 2025, ESG sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật cho 300 DN nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó 10 DN sẽ nhận được hỗ trợ bổ sung để thí điểm, triển khai hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo. Nỗ lực này phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững.

ESG sẽ được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). Với tổng số vốn lên tới 36 triệu USD do USAID tài trợ, IPSC hướng tới gỡ bỏ các hạn chế về chính sách, thị trường ở cấp độ DN cản trở sự phát triển của SGBs, bao gồm cả những DN do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ, và qua đó thúc đẩy khu vực tư nhân đổi mới và năng động, đủ sức cạnh tranh trên toàn cầu và gia tăng cơ hội phát triển kinh tế.