Qua sáu mùa CSI, theo VBCSD, thứ hạng về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu liên tục tăng từ vị trí 88/149 quốc gia năm 2016 lên vị trí 51/165 quốc gia năm 2021. Riêng trong năm 2021, trong tốp 10 doanh nghiệp bền vững được công bố, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài lần lượt là 55% và 45%; trong tốp 100 thì tỷ lệ lần lượt là 63% và 27%.
Phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp được hiểu đơn giản là chiến lược quản trị doanh nghiệp thích ứng được mọi hoàn cảnh, bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận và doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm trở lại đây, đã có không ít doanh nghiệp dần dịch chuyển định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang “kinh doanh có trách nhiệm”.
Thực tế trải qua hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều doanh nghiệp vượt qua thách thức, khó khăn để duy trì ổn định hoạt động và vẫn có sự tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho cả nền kinh tế đi vào phục hồi và phát triển. Điều này cho thấy sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.
Những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong các năm qua đã tự tạo ra cho mình được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng trong kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh một cách bền vững. Định hướng phát triển bền vững cũng đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, trong đó nhấn mạnh việc huy động hiệu quả nguồn lực cùng nhiều chính sách nền tảng là “bệ đỡ” cho phát triển bền vững.
Đến nay, từ Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp đều đã hiểu rõ hơn vai trò của phát triển bền vững. Đó không chỉ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Do đó, doanh nghiệp nào áp dụng hiệu quả bộ chỉ số CSI vào quản trị đều có triển vọng tăng doanh thu, ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, tăng sức chống chịu trước khó khăn, duy trì chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và có khả năng hồi phục phát triển nhanh hơn. Đó là nền tảng của năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia. Nếu doanh nghiệp thực hiện tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, chắc chắn đều sẽ đem lại các giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.