Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa

NDO - Ngày 19/8, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Viện Kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) Trường đại học Kinh tế và Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức lần thứ V Hội thảo quốc tế về “Phát triển kinh tế bền vững và quản lý kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu hóa” (SEDBM5).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Hội nghị được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với hơn 400 người tham dự trực tiếp tại hội trường chính và hơn 500 người tham gia các trang fanpage chính thức của Học viện Tài chính và các kênh fanpage của Hội Sinh viên và các câu lạc bộ của Học viện Tài chính.

Hơn 117 bài tham luận và gần 300 câu hỏi của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, đã tập trung phân tích, làm rõ bối cảnh, yêu cầu và những vấn đề đặt ra, cùng các giải pháp thích ứng cần có cho phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng gắn kết trực tiếp với nhau, cùng sự tăng trưởng thị trường tài chính toàn cầu và sự mở rộng liên kết kinh tế quốc tế; đồng thời, đang và sẽ chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, phát triển con người với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia.

Việt Nam được đánh giá là đối tác quan trọng trong mọi lĩnh vực với nền kinh tế năng động, môi trường đầu tư an toàn, thân thiện, hệ thống chính trị ổn định tạo thuận lợi cho quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế.

Quá trình hội nhập quốc tế đã góp phần phát huy vị thế của Việt Nam, phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập bình quân đầu người; tạo áp lực và điều kiện để cải thiện chế độ kinh tế; cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, song cũng mang lại không ít những thách thức cho Việt Nam.

Trong những năm tới, Việt Nam cần gia tăng các quyết tâm chính trị, đồng thuận xã hội và nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý của nhà nước; thúc đẩy tự do hóa kinh doanh, khuyến khích xã hội hóa, sự tham gia của cộng đồng người dân và doanh nghiệp.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường có tầm quan trọng quyết định để thực hiện thành công và đạt các mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong thế kỷ 21.