Xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm phát triển bền vững

Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cho đến nay, mục tiêu: “xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế-xã hội” tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh đất nước vừa trải qua những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Giải chạy “Trái tim cho em” được Viettel phát động hằng năm tạo nguồn thu ủng hộ trẻ mắc bệnh tim trên cả nước.
Giải chạy “Trái tim cho em” được Viettel phát động hằng năm tạo nguồn thu ủng hộ trẻ mắc bệnh tim trên cả nước.

Mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp

Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2014 đã xác định: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh” trong công cuộc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Nhiều hoạt động với mục tiêu trên đã được triển khai từ T.Ư đến địa phương nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới, bền vững, như Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” đã tạo được làn sóng lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và đăng ký “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Đây là danh hiệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường.

Tại diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” vừa tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam đã thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh. Từ đó đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang ngày càng lớn mạnh, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Để văn hóa là sức mạnh nội tại

Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte cho rằng, văn hóa kinh doanh là một hệ tư tưởng, hệ nguyên tắc mà ở đó nó đi qua năm tháng theo chuỗi các giá trị, đây là niềm tin mang tính khác biệt của con người trong doanh nghiệp. Giá trị được xây bằng chữ tín của họ với các đối tác. Công nghệ thông tin có thể thay thế một lực lượng lao động không hề nhỏ, nhưng nó không thể thay thế được văn hóa mà ở đó giá trị niềm tin, chữ tín và khát vọng phát triển là trường tồn.

Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố nội tại của doanh nghiệp và tác động tới chính doanh nghiệp. Nhưng với yếu tố văn hóa kinh doanh thì nó tác động ra cả ngoài xã hội mà điều đầu tiên là việc xây dựng bình đẳng quyền lợi được làm việc, cống hiến và phát triển của mọi lao động trong doanh nghiệp. Đó chính là những yếu tố kiến tạo nên giá trị văn hóa kinh doanh. Bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh, khi doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội, chia sẻ nguồn lực của họ với xã hội thì họ đang kiến tạo những giá trị phát triển bền vững.

Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam. Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gợi mở, doanh nhân Việt Nam cần biết nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha và đức hy sinh thì mới tạo nên sự khác biệt lớn. Văn hóa kinh doanh Việt Nam cần đặt trên nền tảng đạo đức của doanh nhân, đạo đức của từng công dân Việt Nam và đạo đức đó cần được xây dựng dựa trên lòng yêu nước, thương dân. Việc nuôi dưỡng các đức tính tốt đẹp nói trên nhất định sẽ mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia và tin rằng đây là một sự thịnh vượng rất vững bền.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng mong rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.