Rà soát, phân loại để điều chỉnh phù hợp
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh cho rằng, gần đây ở Hà Nội và các đô thị lớn, cháy nổ xảy ra thường xuyên, và một trong những loại hình bị ảnh hưởng đó là mô hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Theo đại biểu, đây là phương thức sống của một bộ phận người dân ở các đô thị, đặc biệt ở Hà Nội, mô hình này không phải hiếm và cũng rất phổ biến.
“Nguy cơ cháy nổ đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cao hơn. Bởi vậy, việc phòng cháy, chữa cháy đối với đối tượng này phải đặc biệt quan tâm”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Do đó, theo đại biểu đoàn Tây Ninh, để hạn chế, ngăn ngừa các vụ cháy tiếp theo xảy ra cũng như để công tác cứu nạn, cứu hộ được tốt hơn, cần thiết phải rà soát lại các đối tượng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt với mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh.
Nữ đại biểu cho rằng, trước mắt chưa thể bỏ hay phân tách ngay loại hình vừa kết hợp kinh doanh với nhà ở, bởi đó là nhu cầu và phương thức sinh sống hiện tại của người dân, để xử lý thì chỉ có thể dựa trên nền hiện tại đang có.
Theo đó, cần kết hợp liên ngành giữa các cơ quan phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với các đơn vị liên quan để tiến hành rà soát tổng thể, đánh giá lại thực trạng mô hình này trên địa bàn Hà Nội, đồng thời phân loại các đối tượng kinh doanh đang đáp ứng được yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và những hộ kinh doanh hiện nay chưa phù hợp để điều chỉnh.
“Đối với phòng cháy, chữa cháy, cần đề nghị các hộ kinh doanh, hộ gia đình này phải điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu trước mắt, không chỉ với mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh mà kể cả nhà chung cư, nhà liền kề và nhà trong ngõ hẹp. Trước hết, cần rà soát lại và đánh giá hiện trạng, trên cơ sở đó có những khuyến nghị, đề nghị trang bị các trang thiết bị phù hợp để phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu nêu kiến nghị.
Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân
Ngoài ra, đại biểu Thanh Thúy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy của các hộ kinh doanh này.
“Cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền để họ nâng cao nhận thức. Họ phải là người có ý thức trong việc phòng cháy, chữa cháy chứ không thể chỉ phụ thuộc vào lực lượng chức năng”, đại biểu nêu rõ.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Từ các vụ cháy gần đây, cần xem lại công tác quy hoạch và quản lý xây dựng
Đánh giá cao dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã có những quy định rành mạch, rõ ràng, cụ thể về công tác phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân trong phòng cháy, chữa cháy.
“Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của toàn dân, không phải chỉ của riêng cơ quan phòng cháy. Cho nên người dân phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để phòng cháy. Tôi cho rằng phải tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu biết, trước tiên là trong nhà trường rồi đến toàn xã hội về phòng cháy, chữa cháy”, đại biểu cho biết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần những quy định cụ thể đối với những địa điểm, đối tượng, cơ sở dễ phát sinh cháy nếu không đáp ứng được những điều kiện, quy định về phòng cháy, chữa cháy thì sẽ không cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với những cơ sở trước nay ít xảy ra cháy hoặc đã đáp ứng yêu cầu và không xảy ra cháy nữa thì nên có quy định làm tốt hơn để trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy nhẹ hơn, ít hơn, ít tốn kém tiền của.
Theo đại biểu, hiện nay một số doanh nghiệp phản ánh những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong phòng cháy, chữa cháy rất khắt khe, thậm chí có những quy chuẩn kỹ thuật cao hơn tiêu chuẩn của châu Âu, khiến chi phí cho dự toán thiết kế phòng cháy, chữa cháy lên rất cao.
“Nếu không đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn đó thì dự toán không được thẩm định, như vậy dẫn đến cơ sở không hoạt động được. Những tiêu chuẩn này theo tôi cần phải xem xét lại cho thật kỹ để quy định rạch ròi, cụ thể, tránh cào bằng mọi đối tượng đều một quy chuẩn, tiêu chuẩn”, đại biểu Hòa nói.
Quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu về bảo đảm các điều kiện phòng cháy trong sản xuất, kinh doanh
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng cháy nổ hiện nay là nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu.
“Tôi rất ủng hộ việc đưa vào dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn”, đại biểu Hòa chia sẻ.
Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đây là một vấn đề rất quan trọng, bởi dù đã đề ra nhiều nhiệm vụ, nhiều biện pháp cụ thể nhưng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu lơ là hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên về công tác phòng cháy thì cũng sẽ dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đại biểu cũng cho rằng phải phân biệt rành mạch, rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của cấp cơ sở để khi có sự việc xảy ra, việc quy trách nhiệm sẽ cụ thể và khách quan, công tâm hơn trong xử lý hành chính đối với những cán bộ lơ là, mất cảnh giác và thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cũng bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy trong dự án luật, đại biểu Thanh Thúy cho rằng đây là việc rất phù hợp và cần thiết.
Lý do theo đại biểu, trong một số vụ việc đã xảy ra, sự quan liêu, chủ quan, lơ là của bản thân người đứng đầu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ, đặc biệt là sự quản lý của cơ quan nhà nước trên địa bàn xảy ra cháy cũng vẫn còn lỏng lẻo.
Do đó, đại biểu cho rằng, việc ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu trong nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy là rất cần thiết và cần được bổ sung trong luật lần này.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm yêu cầu trách nhiệm của người đứng đầu phải tham gia đầy đủ tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo về công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định.