NHÂN VẬT - ĐỐI THOẠI

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Từ các vụ cháy gần đây, cần xem lại công tác quy hoạch và quản lý xây dựng

 Ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về câu chuyện phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở góc nhìn quy hoạch, sau vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong ở Trung Kính (Hà Nội).
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Từ các vụ cháy gần đây, cần xem lại công tác quy hoạch và quản lý xây dựng

Ông đã có mặt tại hiện trường vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Hà Nội). Với góc nhìn của một chuyên gia quy hoạch xây dựng, ông thấy gì ở đó?

Tôi đã đến hiện trường vụ cháy làm 14 người chết rất thương tâm ở Trung Kính. Cảm nhận đầu tiên của tôi là những người dân chết oan uổng quá. Những cái chết ấy hoàn toàn có thể tránh được nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý và quy hoạch. Nhưng với những điều trông thấy, khi đám chảy xảy ra, không có cách nào để cứu được. Bởi vì từ đường ô-tô cứu hỏa cách điểm cháy khoảng 300 m, mà ngõ cứ thu nhỏ dần chỉ còn 1 m, hai xe máy đi tránh nhau còn khó, không có phương tiện cơ giới nào có thể vào được. Nếu ngõ rộng hơn, xe cứu hỏa vào tận nơi, tôi nghĩ có thể cứu nhiều người dân. Nhưng tại sao nhà dân ở đấy cứ sin sít nhau và ngõ bé tí như vậy?

Chỗ này chính là làng Trung Kính ngày xưa. Quá trình đô thị hóa, thủ đô xuất hiện nhiều “làng trong phố”. Không thể “dời” làng đi được, làng lên phố nhưng vẫn giữ những đặc điểm của làng, với những đường đi lối lại nhỏ hẹp. Khi lên phố, có hàng trăm nhà ở cho thuê, mật độ dân số tăng đột biến. Và trong rất nhiều nhà của làng trong phố, có những phương tiện, vật dụng dễ gây cháy nổ như xe máy, ác quy. Nhà ở hình ống, không có lối thoát hiểm và lại không có những thiết bị PCCC.

Đất chật người đông, nhiều người còn chiếm dụng ngõ phố, lấn khoảng không làm nhà. Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến đường, phố, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên và hơn 2.300 cơ sở, khu dân cư nằm trong hẻm nhỏ, sâu 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Khoảng 90% con hẻm, ngõ rộng chưa tới 4 m, phổ biến là 2-3m.

Từ vụ cháy này, cần phải nghiên cứu xem xét lại những vấn đề trong quy hoạch và quản lý xây dựng. Tôi được biết Hà Nội có hơn 3.000 ngôi nhà cho thuê bao gồm chung cư mini và nhà ở cao tầng, nhưng đã đủ điều kiện về PCCC chưa? Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Đình, chính quyền Hà Nội đã cho kiểm tra, rà soát, sau vụ cháy ở Trung Kính cũng cho kiểm tra, rà soát và nếu sai phạm thì “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”. Nhưng rồi, những vụ cháy vẫn xảy ra.

Theo ông, từ những vụ cháy nghiêm trọng gần đây, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch có ảnh hưởng thế nào đến PCCC?

PCCC ở những đô thị lớn trước hết phải xem xét công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Công tác quy hoạch đang tồn tại quá nhiều vấn đề. Những khu đô thị mới, được quy hoạch bài bản, công tác PCCC rất tốt, từ quy chuẩn đường cho xe cứu hỏa đến mật độ dân số. Nhưng với những khu làng trong phố, phố trong làng như ở Hà Nội thì rất khó cho công tác PCCC. Vì sao? Về công tác quy hoạch, không thể mở rộng đường. Đáng lẽ, làng lên phố phải có quy hoạch ngay từ đầu, có hệ thống giao thông, trong đó kế thừa cái cũ, nhưng phải phù hợp với lối sống hiện đại, xe cứu hỏa có thể vào được. Hiện nay khi làng lên phố, nhồi vào trong không gian chật hẹp những ngôi nhà cao tầng, mật độ dân số tăng đột biến, nguy cơ cháy nổ tăng lên trong khi nếu xảy ra cháy nổ rất khó ứng cứu.

Những khu phố trong làng, làng trong phố đều “ngoài vùng phủ sóng” về quy hoạch. Người dân sống trong đó, chủ yếu với tư duy chắp vá, cơi nới trên diện tích của mình. Ngày xưa những khu này thuộc xã quản lý thì khi người dân làm nhà không cần giấy phép xây dựng, công tác PCCC cũng không được coi trọng. Ở Hà Nội, số xã lên phường rất nhiều, như Trung Văn, Trung Kính, Mỹ Đình… việc quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng gần như bỏ trống. Công tác quản lý hầu như chỉ tập trung ở nhà mặt phố, kiến trúc đô thị. Trong ngõ nhỏ, nhiều ngóc ngách gần như bỏ ngỏ công tác quản lý.

Vậy cần lời giải nào về bài toán PCCC cho những ngôi nhà ở ngõ nhỏ phố nhỏ và làng trong phố, phố trong làng - vốn là một đặc điểm của Hà Nội và một số đô thị ở Việt Nam?

Luật PCCC quy định khá đầy đủ rồi, nhưng để luật đi vào cuộc sống là cả vấn đề và cũng phải tính đến đặc thù của một số đô thị. Theo tôi, phải khống chế được mật độ xây dựng và mật độ dân số, không cho xây dựng những ngôi nhà 3 tầng trở lên trong ngõ hẹp. Nhà ở xây chen tường nọ với tường kia thì không thể có thang thoát hiểm. Tôi đi Mỹ thấy nhà cho thuê của họ có 3 tầng thôi, nhưng nhà nào cũng có thang cứu hỏa chạy bên nhà, mặc dù có khi không bao giờ dùng đến, nhưng phải có cái thang đó vì pháp luật quy định.

Những khu vực làng xã ở sâu trong đường giao thông chính, thì không nên kinh doanh những loại hình dễ gây cháy nổ. Phải quản lý việc sản xuất, kinh doanh ở tầng 1 các ngôi nhà trong ngõ hẻm một cách chặt chẽ để hạn chế tối đa việc cháy nổ. Ngoài ra, người dân cần được trang bị kiến thức về PCCC và các thiết bị chuyên dụng về PCCC.

Chúng ta cần chú trọng phòng cháy hơn là chữa cháy, phòng từ sớm, từ xa, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Sau mỗi vụ hỏa hoạn thương tâm đều diễn ra “kịch bản” đủ các cấp chính quyền nhắc nhở về việc nâng cao ý thức về PCCC, tuy nhiên nhắc nhở xong rồi vẫn xảy ra nhiều vụ cháy.

Phải có một tư duy PCCC chủ động, tổng thể, đồng bộ, chứ không phải cháy chung cư mini thì cho tổng kiểm tra, rà soát PCCC ở chung cư mini, cháy nhà trọ cao tầng thì tổng kiểm tra, rà soát nhà trọ cao tầng, cháy chợ thì tổng kiểm tra, rà soát chợ…

Trách nhiệm quản lý PCCC phải từ thành phố, quận, phường, khối, phố và lực lượng chuyên ngành về PCCC. Tôi chứng kiến chủ tịch của một số phường nơi xảy ra cháy phát biểu cứ như vô can. Không thể như thế được, họ phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm. Mà trách nhiệm thể hiện khi chưa xảy ra cháy, chứ xảy ra rồi thì đã muộn.

Tôi cho rằng, nếu thật sự có trách nhiệm, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về PCCC thì hầu như không thể xảy ra cháy. Chính quyền địa phương có đủ công cụ, phương tiện để làm việc đó. Nhưng có lẽ việc kiểm tra, xử lý nghiêm hầu như ít được thực hiện. Thậm chí đang có hiện tượng rất nguy hiểm là với những sai phạm về xây dựng và PCCC, cơ quan chức năng đến phạt, phạt xong cho tồn tại. Đây là chuyện rất không đúng với bản chất của pháp luật.

Theo quy định, hạ tầng PCCC trong quy hoạch đô thị, các khu vực dân cư, xe cứu hỏa đều có thể tiếp cận được. Hay nói cách khác, trong quy hoạch, hệ thống xe cứu hỏa phải tiếp cận được đến khu vực dân cư. Trong thiết kế của những người làm quy hoạch, xe cứu hỏa phải tiếp cận được nguồn nước, khoảng cách bao nhiêu thì có một họng nước cứu hỏa.

Nhưng ở khu vực làng trong phố, ngõ nhỏ phố nhỏ thì nguyên tắc về quy hoạch như tôi nói trên chỉ là lý thuyết. Chính vì thế công tác quy hoạch chưa triệt để. Với thực tế này, quan trọng nhất vẫn là công tác quản lý. Người quản lý phải hết sức quan tâm đến công tác PCCC, bởi vì đây là chuyện “cháy nhà chết người”. Mặt khác, chính quyền cũng phải thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức PCCC.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Từ các vụ cháy gần đây, cần xem lại công tác quy hoạch và quản lý xây dựng ảnh 1

Hiện trường vụ cháy tại ngõ 119 Trung Kính, Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Thành Đạt

Với thực trạng quy hoạch đô thị đang rất ngổn ngang và có những khu vực “ngoài vùng phủ sóng” về quy hoạch, dự cảm của ông về tình hình PCCC sắp tới sẽ như thế nào?

Những vụ cháy vừa qua ở Hà Nội là tiếng chuông cảnh tỉnh, sự báo động đối với những đô thị lớn. Biến đổi khí hậu sẽ ngày càng phức tạp, thời tiết ngày càng nắng nóng, nhiệt độ cao điểm mùa hè có thể lên tới 45-50 độ C ở ngoài trời. Nhiệt độ tăng cao, thiết bị điện lại dùng nhiều, hoạt động với công suất tối đa rất dễ cháy nổ. Và khi cháy rất khó chữa. Trong khi đô thị ngày càng bị nén chặt lại, mật độ dân số ngày càng tăng, nhu cầu ở và nhu cầu xây dựng cũng cao hơn. Đô thị phát triển thì nguy cơ cháy nổ ngày càng lớn, nên phải tăng cường về quản lý và công tác PCCC. Luật PCCC phải thay đổi thế nào cho phù hợp, kiên quyết xử lý và kiểm soát tất cả các khu vực hiện nay xây không đúng phép, sắp xếp lại trật tự những khu vực dân cư có khả năng xảy ra cháy nổ. Chúng ta cần làm ngay những việc này một cách quyết liệt và đồng bộ, không thỏa hiệp. Nếu buông lỏng công tác quản lý quy hoạch-xây dựng sẽ tiếp tục trả giá đắt vì hỏa hoạn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!